Giao thông

Quản lý chặt chẽ máy bay không người lái từ luật

Duy Tuấn 19/06/2024 - 15:58

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân.

Dành 9/54 điều luật quản lý tàu bay không người lái

Trình bày tờ trình Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật có 8 chương, với 54 điều.

pk1.jpeg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh quy định chung về việc xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân, dự thảo dành 9 điều (từ điều 27 đến điều 36) quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.

Đáng chú ý, Điều 29, dự thảo Luật quy định: Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải được đăng ký, quản lý tại các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cơ quan công an cung cấp thông tin đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gắn với chủ sở hữu phương tiện bay cho Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định 4 trường hợp tạm giữ, thu giữ và chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Đề nghị cho cấp xã xử lý máy bay không người lái

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninhLê Tấn Tới cho biết, đa số thành viên Uỷ ban này cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

pk2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninhLê Tấn Tới.

Theo ông Tới, có ý kiến cho rằng, quy định về thẩm quyền tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ "dễ dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền, nhất là thẩm quyền của Tư lệnh Quân khu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự các cấp".

Ông Tới phân tích thêm, vì các chủ thể trên đều có thẩm quyền trên cùng một địa bàn mà không phân biệt chủ thể phát hiện trước hoặc tính chất của vi phạm để làm căn cứ phân định thẩm quyền.

"Nên cần tiếp tục nghiên cứu để phân định thẩm quyền cho phù hợp. Đề nghị phân cấp xử lý đến cấp xã và thành lập Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp xã để xử lý nhanh chóng, hiệu quả từ cơ sở"- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninhLê Tấn Tới đề xuất. .

Duy Tuấn