ĐBQH băn khoăn tính thực tế, căn cứ pháp lý đầu tư phát triển văn hóa
Theo đại biểu Quốc hội, tổng mức đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035... đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Tổng mức đầu tư không tương thích với các chương trình thành phần
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, chương trình đề xuất tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương gần 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, "nếu tính trên tổng GDP hiện nay là 420 tỷ USD, số chi này khá lớn. Nhưng ở giai đoạn 2035, GDP Việt Nam có thể 800-900 tỷ USD, tỷ lệ này là nhỏ".
Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, việc xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 chương trình thành phần. Theo ông Huân, "tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này".
"Cần rà soát 10 thành phần chương trình bao trùm hết mục tiêu và hướng tới giá trị cốt lõi, sau đó khái toán chi phí từng năm, bám sát từng thành phần ấy và các hạng mục được quy ra % GDP ước tính từng năm"- đại biểu Huân nêu quan điểm.
Mâu thuẫn với Luật Đầu tư công
Cùng băn khoăn về tính hiệu quả của chương trình này, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, phạm vi và quy mô chương trình này là rất lớn, với 10 nội dung thành phần và hàng trăm hoạt động chi tiết. “Chúng ta đang ở rừng chi tiết, nên cần đánh giá hết sức rõ, lĩnh vực nào cần được ưu tiên và quan tâm thực hiện” - đại biểu An nói.
Trong khi chương trình mục tiêu quốc gia phải bám sát quy định Luật Đầu tư công, nhưng đại biểu cho rằng, những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ "nên rà soát lại".
Về tính khả thi, đại biểu An cho rằng nên ưu tiên vấn đề cấp bách. Với nguồn vốn lớn, cần có trách nhiệm với từng đồng tiền bỏ ra, nhưng cơ sở quyết định vốn "vẫn còn băn khoăn".
"Tại sao có tổng mức 256.000 tỉ đồng chia cho các giai đoạn này thì căn cứ vào đâu khi chưa làm rõ được vấn đề này"- đại biểu An đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng chương trình mục tiêu quốc gia rất cần thiết, nhưng đây không phải lần đầu có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, khi trước đó đã có 2 giai đoạn là 2011-2016; 2016-2020. Tuy nhiên, có chương trình 5.000 tỉ đồng "nhưng kết quả chỉ giải ngân được 3.000 tỉ đồng. Nếu nguồn vốn đầu tư không đạt được, mục tiêu cũng sẽ không đạt được".
"Chương trình hiện nay có 10 nhiệm vụ, theo quy định phải áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư công với các chương trình, đề án cụ thể"- đại biểu Hạ đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu cũng dẫn chứng một trong những nội dung chương trình là xây dựng nhà văn hóa cấp xã, nhưng khi thực hiện "chưa đúng với Luật Đầu tư công".
"Hiện nay cả nước hơn 10 nghìn xã, nhưng trong số này có bao nhiêu xã có nhà văn hóa? Thực trạng, hiệu quả sử dụng ra sao? Phân kỳ đầu tư như thế nào? Cái nào cần xây mới, cái nào cần nâng cấp sửa chữa mới ra được tổng mức đầu tư, là vấn đề cần tính toán cụ thể, điều này chưa đúng với Luật Đầu tư công" đại biểu Hạ lập luận.
"Tôi rất dị ứng khi dùng nghị quyết để sửa luật, tôi đề nghị phải tách bạch rõ. Nếu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mà không cần làm theo Luật Đầu tư công, thì phải ghi vào nghị quyết và sửa Luật Đầu tư công"- đại biểu Hạ nêu quan điểm.