Hành trình khó quên đến với bản “6 không + 1”
Biết chúng tôi muốn vào bản Cà Lò trực tiếp trao quà tặng người dân, các anh lãnh đạo huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) tỏ ra ái ngại, “để chúng tôi mời đại diện bà con ra trung tâm xã nhận quà”. Thế nhưng Tổng Biên tập Trần Đức Vinh và anh em trong đoàn kiên định “đã trao quà thì về tận bản với bà con”. Vậy là gần 20 tay lái “cứng” được huy động để “tăng bo” cả người lẫn quà vượt qua cả chục km đường đá quanh co, gập ghềnh bên vách núi…
“Đã trao quà thì về tận bản”
Hành trình “Tri ân tháng Ba biên giới” đã thành hoạt động thường xuyên của Báo Công lý nhằm thăm hỏi, động viên, tặng quà các lực lượng đang làm nhiệm vụ canh giữ biên cương và bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa. Và với mỗi chúng tôi thì lần nào đi công tác hay thiện nguyện ở vùng cao cũng đều để lại nhiều ấn tượng xúc động và những kỷ niệm khó quên…
Với nhiều hoạt động dày đặc tại một số địa phương vùng biên giới phía Bắc, hành trình “Tri ân tháng Ba biên giới” năm 2024 đã được chị Nguyễn Liên (phóng viên thường trú tại Thái Nguyên - đầu mối triển khai hành trình lần này) lên kế hoạch khá chi tiết và “khớp nối” với các địa phương để lễ trao quà diễn ra được trọn vẹn nhất.
Nhấn mạnh về điểm mới trong hành trình năm nay là “đồng hành” với TAND các địa phương, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh khi “chốt” kế hoạch đã quán triệt, “hoạt động thiện nguyện, trao quà tặng bà con cần phải xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng tri ân đối với bà con vùng cao biên giới và góp phần lan tỏa hình ảnh nhân văn, “chung tay vì cộng đồng”… của đội ngũ những người làm báo, của những người trong hệ thống TAND”.
Hiểu được tầm quan trọng của chuyến đi qua lời nhắc nhở của Tổng Biên tập, chị Nguyễn Liên đã “một mình một xe” đi tiền trạm đến tận trung tâm các xã dự định trao quà để có một kế hoạch chi tiết nhất, từ cung đường; ngày, giờ, địa điểm nhận quà, danh sách các hộ nhận quà… đến thành phần cán bộ địa phương tham dự lễ trao quà.
Kế hoạch là vậy, nhưng ngay từ khi khởi hành cũng đã có một số thay đổi nhỏ vì phải bổ sung thành viên đoàn công tác và lùi giờ xuất phát vì lý do bất khả kháng.
Nhận lệnh đi công tác đột xuất, có phóng viên “lên đường” ngay mà không về nhà lấy tư trang, quần áo, bởi như lời Tổng Biên tập nói: “giờ tổ chức đã ấn định nên không thể để bà con chờ cả tiếng đồng hồ để chờ nhận quà được”. Hay có thành viên như anh Hoàng Anh, anh Thành Công, chị Bùi Anh đã phải di chuyển 9 tiếng liên tục “xuyên đêm” để kịp có mặt tại Mèo Vạc lúc tờ mờ sáng.
Hành trình lần này, Báo Công lý thực hiện trao quà cho bà con ở gần chục địa điểm khác nhau tại địa bàn tỉnh Cao Bằng và Hà Giang mà xa nhất là bản Cà Lò, thuộc xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng và thôn Trà Mần, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Bản Cà Lò là bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Khánh Xuân. Tuy chỉ cách trung tâm xã hơn 30 km, nhưng đường vào bản có hơn 10km đường núi gập ghềnh, quanh co qua các triền núi đá...
Biết chúng tôi muốn vào tận bản Cà Lò để trực tiếp trao quà tặng người dân, các anh lãnh đạo huyện Bảo Lạc tỏ ra ái ngại, “để chúng tôi mời đại diện bà con ra trung tâm xã nhận quà”. Thế nhưng Tổng Biên tập Trần Đức Vinh và anh em trong đoàn kiên định “đã trao quà thì về tận bản với bà con”.
Vậy là sáng hôm sau, gần 20 tay lái “cứng” được huy động để “tăng bo” cả đoàn chúng tôi, lẫn lãnh đạo huyện ủy, TAND huyện vượt qua cả chục km đường đá gập ghềnh, quanh co ngược vách núi tiến vào bản Cà Lò
Khi ô tô của chúng tôi đến điểm tập kết thì gần 20 cán bộ xã Khánh Xuân và Bộ đội biên phòng đã chờ sẵn với xe máy đầy đủ. Đây cũng chính là những tay lái đã “tăng bo” hơn gần 1 tấn hàng vào Cà Lò từ chiều hôm trước.
Giới thiệu qua về bản Cà Lò, các anh cán bộ xã nói vui, “Đây là bản “6 không” bởi không có đường ô tô, không nước, không điện sinh hoạt, không internet, không sóng điện thoại…”.
Chuyện ở bản “không có án”
Sau lời giới thiệu ngắn gọn nhưng trọn vẹn về bức tranh chung ở Cà Lò, chúng tôi cứ hai người một xe (cán bộ địa phương đèo thành viên đoàn công tác) bước vào hành trình hơn 10 km đường núi để vào bản Cà Lò.
Riêng tôi và một đại diện của nhà tài trợ muốn thử cảm giác “phượt” nên xin được tự lái xe. Ngay lập tức, cán bộ Đồn biên phòng Trường Xuân đã giao ngay 2 xe máy còn khá mới cho chúng tôi với lời giải thích “các anh đi đường núi không quen thì nên đi mỗi người một xe cho dễ điều khiển. Xăng xe luôn ở chế độ đầy bình nên các anh yên tâm”.
Phóng viên Thu Trang và Phạm Hiển có lẽ là hai người bị “vướng víu” nhất đoàn vì phải xách theo máy quay và chân máy. Phóng viên Tuyết Nhung thảnh thơi hơn nên được giao nhiệm vụ tác nghiệp bằng điện thoại trên dọc hành trình. Cả 3 phóng viên dẫn đầu đoàn công tác để tranh thủ chọn những góc quay phù hợp nhất. Còn tôi, dù có đi một mình một xe thì sau một vài con dốc đã bị tụt lại sau cùng.
Đường núi lơ chơ những tảng đá to bằng chiếc mũ bảo hiểm, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Ở những đoạn lên dốc, tiếng máy xe gằn lên từng hồi khét lẹt. Còn ở dốc xuống, dù đã về số thấp nhưng nhiều lúc, tôi phải đứng cả lên chân phanh để xe không bị trôi.
Thấy đoàn đã mất hút, tôi cũng hơi hoảng vì chỉ sợ đi lạc đường, trong khi đi cả nửa tiếng đồng hồ cũng không gặp được ai để hỏi thăm xem có đúng đường không. Đi được khoảng 5 km đường, tôi cũng bắt kịp được một người cùng đoàn do xe anh này bị hỏng. Giới thiệu mình là dân quân xã Khánh Xuân, anh lên xe của tôi tiếp tục hành trình theo đoàn, để lại chiếc xe của mình bên vệ đường.
Tôi ngạc nhiên hỏi, “xe hỏng như vậy, anh đem ra bằng cách nào? Để xe ở đó không sợ bị mất?”.
Anh dân quân thủng thẳng “xe hỏng không để lại thì cũng không còn cách nào khác. Mà để ở đó vài ngày thì cũng chẳng có ai lấy. Buổi chiều ra, tôi sẽ dắt xe đi sửa”.
“Vậy tại sao anh không dắt xe ra luôn để sửa cho sớm, chứ đi vào bản rồi quay ra sẽ tối”- tôi tiếp tục thắc mắc.
“Chẳng mấy khi các anh vào đây để trao tặng quà, chúng tôi muốn được đi cùng các anh vào tận bản rồi quay ra cũng không sao”- giọng anh dân quân hào hứng.
“Đường này mà những hôm trời mưa thì các anh có đi được không?”- tôi hỏi khi thấy xe đi qua một đoạn toàn những tảng đã lớn nhẵn thín.
“Có, chúng tôi vẫn đi bình thường nhưng phải đi số 39- 40 cơ- tức là đi giầy dép số 39, 40 ấy”.
Tôi bất ngờ về cách trả lời hài hước của anh dân quân và hỏi tiếp, “trong bản không có sóng điện thoại thì cán bộ vào công tác sẽ liên lạc thế nào khi có việc cần?
“Chúng tôi lại chạy xe về trung tâm xã, đến chỗ nào có sóng thì dừng lại để gọi”.
Cứ như vậy, anh dân quân xã trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác của tôi khiến cho đường vào Cà Lò dường như ngắn lại và bớt nguy hiểm hơn…
Đến chiều, khi hỏi lãnh đạo xã Khánh Xuân thì tôi mới biết, sau khi vào bản Cà Lò được một lúc thì anh dân quân này đã đi bộ ra trước, dắt xe về chỗ đoàn tập kết để sửa xe. Như vậy, anh đã chấp nhận vất vả, đi bộ thêm khoảng hơn 10 km đường núi chỉ với mong muốn được theo đoàn công tác và chứng kiến niềm vui của bà con khi đón nhận món quà của chúng tôi.
Nghe kể lại câu chuyện đi bộ của anh dân quân xã, cả đoàn công tác chúng tôi dường như càng thấy “thấm” hơn về quyết tâm của Tổng Biên tập rằng, “đã trao quà thì về tận bản với bà con”.
Tại bản Cà Lò, Báo Công lý và nhà tài trợ (Công ty CP Tập đoàn ViTech) đã trao tặng 1 căn nhà cho hộ gia đình bà Phùng Chòi Piao, cùng gạo, dầu ăn, sữa, bánh kẹo… cho 35/35 hộ trong bản.
Thấu hiểu về phong tục của bà con, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Lã Hoài Nam và anh em trong đoàn đã quyết định góp tặng ngay bà Phùng Chòi Piao chút tiền để gia đình có thể mua được 2-3 con lợn, bởi “nhờ bà con trong bản đến giúp dỡ nhà cũ hay dựng nhà mới thì cũng phải mổ lợn để bà con chung vui”.
Nhóm phóng viên chúng tôi chia nhau tác nghiệp tại các khu vực trong thôn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là người dân ở đây đều tỏ ra khá e dè và ngượng ngùng trước người lạ. Hơn nữa, có 2-3 người giúp đoàn “phiên dịch” tiếng Dao thì đều đã tập trung tại điểm trao quà ở nhà văn hóa thôn. Phóng viên Thu Trang và Tuyết Nhung sau một hồi sử dụng ngôn ngữ “cử chỉ” với người dân nhưng không hiệu quả đành tác nghiệp chủ yếu bằng việc...“chụp ảnh”.
Chia sẻ với phóng viên ngay tại nhà văn hóa thôn, Bí thư huyện ủy Lã Hoài Nam cho hay, nhìn thấy cảnh các gia đình háo hức nhận gạo, mỳ và các cháu nhỏ hồ hởi chia nhau từng hộp sữa, chiếc bánh mới thấy tấm lòng, sự nhiệt tình của những người làm Báo Công lý là vô cùng quý giá, cảm động.
Khi rời Cà Lò, Bí thư huyện ủy Bảo Lạc vẫn trăn trở với chúng tôi, “dù mỗi nhà đã có một bể nước nhỏ nhưng huyện rất muốn làm một bể trữ nước trên núi, để bà con đỡ “khát” trong các tháng không có mưa. Do hiện đang là mùa khô nên vẫn chưa thể khảo sát được vị trí có nước chảy tự nhiên để xây bể. Khi đã có nước, có đường ô tô, chúng tôi tin rằng, nét nguyên sơ của những căn nhà sàn và nếp sống truyền thống của đồng bào người Dao nơi đây sẽ thúc đẩy du lịch phát triển, giúp cho người dân tự làm giàu từ chính mảnh đất, từ chính truyền thống văn hóa của mình”…
Tham gia đoàn công tác, Phó Chánh án TAND huyện Bảo Lạc Tô Thị Thùy Ngân chia sẻ, “chuyến đi không chỉ là cơ hội để chúng tôi được trực tiếp tuyên truyền về pháp luật cho bà con, mà còn giúp chúng tôi tích lũy thêm vốn sống và kinh nghiệm trong công tác hòa giải, xét xử những vụ án, vụ việc mà đương sự là người dân tộc thiểu số”.
Cũng theo chia sẻ của nữ Phó Chánh án thì tại bản Cà Lò, TAND huyện Bảo Lạc chưa phải xét xử một vụ án nào, cả dân sự lẫn hình sự. Vậy nên trên đường ra, chúng tôi đùa nhau rằng, bản Cà Lò chính xác là bản “7 không” vì có thêm một “không” tích cực nữa là “không có án”.
10 năm trở lại Sơn Vĩ
Những ngày vừa qua, khi xem những hình ảnh lũ ngập lũ, sạt lở trên các cung đường vùng cao Hà Giang, chúng tôi càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Từ trung tâm huyện Mèo Vạc đến xã Sơn Vĩ chưa đến 10km đường chim bay, trong điều kiện thuận lợi thì đoàn công tác phải mất 3 tiếng đồng hồ đề vượt qua hàng chục km đường đèo uốn lượn lên xuống.
Cũng như vào Cà Lò, khi hết đường ô tô, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy dọc theo triền núi cheo leo hơn 10km để vào được thôn Trà Mần.
Người dân trong thôn đón chúng tôi vô cùng niềm nở vì “ít khi được tiếp khách Trung ương ở nơi con ngựa cũng phải chùn chân này.
Những ngày mưa, thôn Trà Mần gần như bị cách biệt với bên ngoài bởi con đường đất lầy lội, chẳng ai muốn mạo hiểm đi qua. Vào nơi ngẩng mặt thấy đá dựng đứng, cúi mặt thấy vực sâu và “khát” nước quanh năm này, chúng tôi mới thấm thía hơn về nỗi vất vả và cảm phục hơn những người dân nơi đây vẫn hàng ngày vượt núi bằng đôi chân trần, cần mẫn trỉa ngô, trồng bắp, gìn giữ cột mốc biên cương.
Đón nhận căn nhà mới do cán bộ phóng viên Báo Công lý quyên góp dựng, trao tặng, bà Sùng Thị Mỷ (hộ gia đình đặc biệt khó khăn thôn Trà Mần) cảm động nói, đã có mái nhà kiên cố che mưa, che nắng nên từ nay, gia đình tôi chỉ chăm chỉ lao động kiếm miếng cơm, manh áo chứ không phải lo lắng về chỗ ngủ nữa.
Chia sẻ với cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh xúc động: “10 năm trước, khi chúng tôi đến với Sơn Vĩ thì nơi đây còn rất khó khăn. Xe phải quấn xích sắt vào lốp mới đi được vào xã. Người dân thì bữa no, bữa đói. Đến nay, điều kiện kinh tế xã hội và đời sống của bà con đã có rất nhiều đổi thay, nhưng vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị. Báo Công lý mong muốn tiếp tục có những chuyến thiện nguyện, đồng hành với TAND địa phương tới Mèo Vạc, tới Sơn Vĩ để chia sẻ khó khăn với bà con, cũng như mong muốn giúp bà con tiếp cận được những kiến thức pháp luật thiết thực nhất trong đời sống"...
Mang niềm vui trở về, con đường đá lởm chởm chỉ đủ di chuyển 1 chiếc xe máy đã không còn là nỗi sợ hãi nữa với mỗi thành viên trong đoàn. Những cái vẫy tay bà con trong thôn chào tạm biệt đoàn như hứa hẹn ngày mới Trà Mần sẽ đổi thay, một Sơn Vĩ sẽ “vươn mình trên đá”.
Hẹn gặp lại Trà Mần, hẹn gặp lại Cà Lò trong một sắc diện mới.