Luật hoá việc cấm bán thuốc trên mạng xã hội
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 18/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trình bày tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo luật "đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác".
Dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.
Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử.
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn với việc bán thuốc trên môi trường điện tử, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố.
Điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống...
Theo Ủy ban Xã hội, thực tế, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhất là hoạt động bán lẻ, có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc, nên cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Ủy ban xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Đặc biệt, nghiên cứu quy định để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng; việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin người mua hàng.