Đến với miền... “tỏi ngọc”!
Tỏi Lý Sơn là thương hiệu rất nổi tiếng. Tỏi được sinh sôi từ nền cát trắng nơi đất đảo lênh đênh giữa trời biển bao la, đầy nắng, gió và dông bão - nơi sản sinh ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Giờ đây, miền đất đảo hoang sơ ấy đã vươn mình, “thay da đổi thịt” từng ngày với cảnh quan tuyệt đẹp cùng sự hiện diện của du khách thập phương.
“Khao lề thế lính Hoàng Sa”
Người bạn tôi, họ Phạm, quê Lý Sơn luôn tự hào là con cháu một dòng họ của những cai đội nổi tiếng, thậm chí có nhiều người làm Chánh thủy quân kiêm cai đội Hoàng Sa như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật... Tên tuổi của họ được ghi trong nhiều tài liệu về Hải đội Hoàng Sa với nhiệm vụ kiêm quản Bắc Hải năm xưa, hiện vẫn còn lưu giữ ở Lý Sơn.
Trước khi bị triệt bãi, Hải đội này có nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình, canh giữ biển đảo và khai thác sản vật cho triều đình. Hoạt động của Hải đội Hoàng Sa đã góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua nhiều thế kỷ. Những người đi lính Hoàng Sa được nhà Vua gọi là những “hùng binh”.
Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn lưu giữ tài liệu minh chứng đội dân binh Hoàng Sa hoạt động từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long đã sai Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật làm Chánh thủy quân kiêm cai đội Hoàng Sa, chuyên tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Trường Sa… Hiện nay trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ mộ gió và các ông được thờ tự trong các nhà thờ tộc họ trên đảo.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của hai làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng xứng đáng được lưu truyền trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt.
Hàng năm, từ ngày 10 - 20/2 âm lịch, hầu hết các tộc họ trên đất đảo Lý Sơn đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở nhà thờ tộc. Lễ chính diễn ra tại Âm linh tự vào 16/3 âm lịch. Hầu như tộc họ nào trên đảo cũng có nhiều tiền nhân hy sinh vì Hoàng Sa cho nên đó là lễ lớn, rất trang nghiêm, được nhiều người tham dự nhất để tưởng nhớ công đức tiền nhân thuở trước. Theo lưu truyền thì ngày ấy, trước khi cha ông đi ra Hoàng Sa công cán để khẳng định chủ quyền dân tộc, luôn có buổi lễ “khao lề thế lính Hoàng Sa”, tế những người con sống cho trời biển.
“Vương quốc tỏi”… ở nơi hứng bão
Đảo Lý Sơn cách đất liền gần 30km, được hình thành sau quá trình trào phun rồi đồng kết của 5 ngọn núi lửa từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước. Đứng bên bờ biển Sa Kỳ, người ta có thể nhìn thấy 5 cái miệng núi lửa ấy và các cột ba - zan đông kết tạo ra những khối đá đen xì nhóng nhánh tuôn chảy ra mãi về phía biển. Khắp đảo chỉ toàn đá và bạt ngàn cát trắng. Lý Sơn hiếm khi mưa thuận gió hòa. Nắng thì như rang đất, mưa thì thối đất thối cát. Lý Sơn được coi là nơi “hứng” bão với bình quân mỗi năm phải chịu đến hàng chục cơn bão càn quét nơi này…
Mấy chục năm về trước, ngoài thiếu điện, Lý Sơn còn phải chịu nỗi lo kinh niên là thiếu nước. Có lẽ hiếm có nơi nào lại có nghề phu nước như ở Lý Sơn. Khắp đảo, đào đâu cũng chỉ có nước nhiễm mặn. Nước trời thì hiếm nên người dân phải bỏ tiền mua… Cũng may, có lẽ trời chưa tước đi sinh kế cuối cùng của họ nên ban cho hòn đảo này một cái giếng lúc nào cũng ắp đầy nước ngọt. Giếng đó gọi là giếng vua Gia Long, nằm gần tượng đài tưởng niệm Đội hải binh Hoàng Sa.
Nhiều năm gần đây, Lý Sơn được biết đến nhiều là bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi trời biển gặp gỡ, giao hòa. Hòn đảo với những ngọn núi nhô cao giữa không gian vô tận của trời và đất và cũng chìm đắm trong không gian xanh ngắt của nước biển… thực sự là một bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Ở đó, những cánh đồng tỏi xanh tươi, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp trên bờ cát trắng, nắng vàng. Sinh sôi trên nền cát trắng, cánh đồng tỏi Lý Sơn thật độc đáo nên được gọi là “đệ nhất tỏi” hay “tỏi ngọc”. Tỏi ở đây thơm dịu chứ không gắt, hòa cùng vị béo bùi của lạc tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn và khó quên. Mỗi cây tỏi đều được chăm sóc lớn lên, sinh sôi với tâm huyết của những nông dân dãi gió, dầm bão nơi đây, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt…
Từ việc huy động tốt các nguồn lực khác nhau, Lý Sơn đã được đầu tư rất lớn để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ về du lịch, nổi bật là đầu tư các tuyến đường giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng giao thông Bến Đình, Nhà trưng bày bộ xương cá ông lớn nhất Việt Nam, quảng trường, công viên, cột cờ… Giờ đây, đảo Lý Sơn đã trở nên nổi tiếng và là điểm du lịch vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Những Đảo Bé - Hòn ốc Maldives thu nhỏ, Cổng Tò Vò - Thiên đường check-in ở Quảng Ngãi, Hang Câu - Kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, Chùa Hang Lý Sơn (Chùa Đục) và Núi Giếng Tiền - điểm du lịch tâm linh, Hòn Mù Cu - nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp…thu hút hàng nghìn lượt khách từ đất liền ra chiêm ngưỡng.
Trao đổi với Báo Công lý, bà Phạm Thị Hương- nữ Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đầu tiên trên đất đảo này cho biết, hiện nay Đề án phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi đang được xây dựng. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quyết tâm xây dựng huyện đảo Lý Sơn thành đô thị du lịch biển năng động, hấp dẫn và đáng sống. Sắp tới, Lý Sơn sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội đồng bộ, hiện đại; có cảnh quan đô thị văn minh, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả, xứng đáng với vị thế của một trung tâm du lịch biển, đảo; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh-quốc phòng...
Chánh án - người con của đảo
Đầu năm 1993, khi Tòa án nhân dân huyện Lý Sơn được thành lập, chỉ có ba cán bộ từ đất liền “đầu quân” ra đây. Lúc đó, huyện mới chia tách, lại nghèo, nên trụ sở Tòa án chỉ là căn nhà cấp 4 mượn tạm của Hợp tác xã An Hải, xập xệ, bé nhỏ, mong manh trong bão gió. Trong cái không gian hạn hẹp, họ phải sắp đặt sao cho vừa có hội trường xét xử, vừa có phòng làm việc. Chỗ ở thì đương nhiên là không có nên anh chị em trong cơ quan đều phải đi tá túc nhà dân. Lãnh đạo Toà án cũng theo tổ chức phân công, điều động với thời hạn nhất định rồi lại trở về đất liền...
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng, bão này - anh Nguyễn Văn Thu, sau một thời gian “vượt sóng” tìm con chữ đã quyết định quay trở về phục vụ quê hương. Với niềm đam mê, phấn đấu và cống hiến anh đã trở thành Thẩm phán, Phó Chánh án. Và lần đầu tiên, Lý Sơn có vị Chánh án là người con đất đảo.
Với dáng vóc mang những nét tiêu biểu của vùng nắng gió mặn mòi, Chánh án Thu cho hay, từ nhỏ đã được nghe những người già kể về lịch sử hình thành hòn đảo với muôn vàn khốn khó, thăng trầm. Nghề chính của những người dân trên đất đảo tiền tiêu này chủ yếu là nông nghiệp mà hành và tỏi trở thành cây chủ lực. Cùng với đó, nơi lênh đênh giữa trời biển, nghề khai thác đánh bắt hải sản là nghề truyền kiếp. Tuy vậy, cuộc sống của người dân trên đảo vẫn gặp nhiều khó khăn bởi ngăn cách về địa lý và thu nhập bấp bênh, phụ thuộc thiên nhiên. Người dân trên đảo đời nối đời bám biển mưu sinh, gánh nặng áo cơm ghì sát đất. Hơn nữa, trước đây việc di chuyển vào đất liền rất vất vả nên chuyện học hành thường hay dang dở…Anh bảo, nói qua như thế để nhà báo thấy được cái hành trình tìm đến con chữ của những người con được sinh ra trên xứ đảo nó gian nan đến nhường nào.
Về cơ duyên với Toà, Chánh án Thu chia sẻ, gia đình anh chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác hải sản. Thế nhưng, hình ảnh những cán bộ Tòa án đã ăn sâu vào tiềm thức ngay khi anh còn nhỏ. Vậy nên anh đã một mình “vượt sóng” vào đất liền học Luật với mong muốn trở thành Thẩm phán. Và khi cơ duyên đến, anh thi đỗ công chức và được nhận vào làm Thư ký tại Tòa án huyện nhà. Kể từ đó đến nay, anh luôn cố gắng không ngừng nghỉ, học tập kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, cũng như tự học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, anh được bổ nhiệm Thẩm phán, phó Chánh án và nay là Chánh án.
Niềm ước mơ được coi như toại nguyện nhưng cũng từ đó anh Thu nhiều lần phải giải quyết những vụ việc mà bà con, hàng xóm của mình sa vào lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Vậy nên làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân trên đảo, để bớt đi những sai lầm không đáng có luôn là trăn trở và cũng chính là động lực để anh làm việc.
Anh Thu chia sẻ, nhiều khi mâu thuẫn phát sinh từ những lý do hết sức đơn thuần. Nếu mình tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn ấy để kịp thời vận động, thuyết phục thì khả năng hòa giải thành sẽ rất cao.
Anh Thu cho hay, ở Lý Sơn, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thường phức tạp, đòi hỏi không chỉ giải quyết đúng pháp luật mà còn phải hợp tình. Do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người dân rất xem trọng chữ tình. Cũng vì cái phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” ấy nên mỗi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, anh Thu luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đương sự, tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng xử lý.
Tạm biệt Lý Sơn, tạm biệt vùng đất đảo đẹp nao lòng, nơi cất giữ những tháng năm hào hùng với những chiến công oanh liệt của Đội dân binh Hoàng Sa, nơi đất nở hoa, kết trái trở thành thương hiệu Việt và có những con người “cưỡi sóng” đi tìm con chữ để rồi trở lại biển đảo, phục vụ chính những bà con quanh năm lam lũ mà luôn ấm áp tình làng nghĩa xóm…
Lý Sơn, tháng 6 năm 2024