Khẩn cấp ứng phó với mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc
Bộ GTVT vừa ra công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ từ ngày 8/6 đến nay, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về, gây ngập lụt, sạt lở, ùn tắc giao thông, thiệt hại nhiều công trình hạ tầng giao thông tại các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lai Châu... Bộ GTVT vừa ban hành công điện gửi các địa phương yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với thiên tai.
Để chủ động ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.
Cục Đường bộ Việt Nam phải chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ huy động tối đa nguồn lực triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Các Khu Quản lý đường bộ khẩn trương bố trí nhân lực trực, phân luồng giao thông, canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu... ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường sạt lở.
Đối với lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Đối với đường thủy nội địa, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương thực hiện kế hoạch thường trực chống va trôi các cầu trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn giao thông thủy và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ.
Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay để kịp thời phát hiện và xử lý khắc phục sự cố; chỉ đạo các hãng hàng không điều chỉnh lịch bay, tuyến bay và ga đến cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay khi có thời tiết xấu.