Hỗn loạn ngày đầu không bãi gửi xe
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
Phớt lờ lệnh cấm
Theo quan sát của chúng tôi, ngay từ buổi sáng 15-2-2012, tại một số điểm trông giữ xe nằm trong diện “giải tỏa” vẫn ngang nhiên vi phạm, họ tổ chức chăng dây, kê bàn, ghi vé, nhận xe… như thường.
Ở cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương (đường Triệu Quốc Đạt), xe máy gửi hàng dài trên vỉa hè, taxi “tọa” kín lòng đường. Khi được hỏi có biết về lệnh cấm của UBND thành phố, chị trông xe trạc ngoài 40 tuổi chỏng lỏn, “Cấm đâu mà cấm!(?)”.
Ô tô đỗ tràn đường Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm-Hà Nội)
Anh Ngô Văn Trung, lái xe taxi, thật thà: “Biết thì biết, nhưng tại đỗ ở đây đón khách quen rồi, giờ biết đi đâu? Chẳng lẽ lái xe chạy lòng vòng? Thôi thì mới triển khai, người ta chưa kiểm tra, xử lý gắt gao, tranh thủ được ngày nào hay ngày ấy!”.
Lượn quanh một vòng qua các tuyến phố, tình trạng phớt lờ, bất chấp lệnh cấm xảy ra phổ biến nhất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Một phần, đây là khu vực nội thành có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, nhiều cơ quan công sở, bệnh viện, dày đặc cửa hàng, cửa hiệu… nên nhu cầu gửi và trông giữ xe rất cao.
Dọc tuyến phố Hàng Bài, xe máy đỗ choán hết vỉa hè, tràn cả vào các con ngõ nhỏ khiến những gia đình sinh sống phía bên trong gặp rất nhiều bất tiện. Gần như tất cả các hẻm, nhánh xương cá trên tuyến đường này đều được người dân tận dụng làm bến gửi xe tự phát. Không có chỗ gửi xe, nhiều người dừng ngay sát vỉa hè, gọi chủ quán ra, mua bán diễn ra ngay… lòng đường, có khi đến cả chục phút đồng hồ khiến giao thông càng thêm hỗn loạn. Từ bà bán nước, tới anh xe ôm đầu ngõ cũng tranh thủ “xé vé, ăn tiền”. Phố Vọng Đức (đối diện Cục xuất nhập cảnh - Bộ Công an) gần như được bịt kín, người tham gia giao thông gần như chỉ có đi… bộ.
Các lực lượng chức năng xử phạt điểm giữ xe vi phạm trên phố Quang Trung.
Xe máy dựng bịt kín lối ra vào các cửa hàng trên phố Hàng Đào...
Khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, lượng xe đỗ lòng đường nhiều hơn… xe tham gia giao thông gây tắc nghẽn cục bộ đến gần 30 phút buổi chiều 15-2-2012. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu cũng bị xe máy, ô tô, chủ phương tiện xếp hàng nêm kín.
Trong khi hầu hết các bãi xe bị thu hồi giấy phép trên các tuyến phố Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Đội Cấn, Thành Công, Thái Hà, Chùa Bộc, Chùa Láng, Tây Sơn, Kim Mã... vẫn ngang nhiên xé rào vi phạm, thì hiện tượng quá tải trong các bãi gửi xe có phép trở nên trầm trọng. Bãi nào người cũng đông nghịt, dọc hai bên đường xe máy ô tô ngổn ngang, hàng dòng người xếp hàng chờ gửi xe. Hết chỗ, người ta mang xe vào công viên, vườn hoa, trường học, nhà người thân, bạn bè gửi...
Bãi bị thu phép, xe về đâu?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thu giấy phép đồng loạt trên diện rộng như thế này trong một thời gian ngắn, khi chưa hề có kế hoạch triển khai xây dựng điểm trông giữ mới là còn nhiều bất cập, kiểu làm sai đâu sửa đấy. Bởi mục đích của chủ trương này nhằm giảm ùn tắc giao thông. Nhưng, với những xe hàng ngày đang gửi trong bãi bị thu giấy phép, giờ đẩy đi đâu? Một phần sẽ được “nhồi” tiếp vào các bãi có phép khác, phần không nhỏ sẽ… ra đường, vô tình lại làm gia tăng áp lực giao thông.
Bãi gửi xe trên đường Bà Triệu vẫn chật kín. (Ảnh chụp lúc 15h30 ngày 15-2)
262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành bị cấm trông giữ xe gồm: Ba Đình (52 đường phố), quận Hoàn Kiếm (76 đường phố), Hai Bà Trưng (20 đường phố), Đống Đa (35 đường phố), Long Biên (2 đường phố), Tây Hồ (15 đường phố), Hoàng Mai (6 đường phố), Cầu Giấy (29 đường phố), Thanh Xuân (27 đường phố). |
Chị Nguyễn Thu Nga (làm việc ở 149, Bà Triệu), chia sẻ: “Gần 3 năm nay tôi gửi bãi xe bên đường, sáng nay tìm mất gần 30 phút không được, đành gửi bừa vào trong ngõ. Cả ngày chả có tâm trí đâu mà làm việc, lúc nào cũng lo nơm nớp, chẳng biết có an toàn không, chỉ sợ chiều về xe… bốc hơi!”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người, bởi trên địa bàn Tp. Hà Nội cách đây vài năm đã từng xảy ra trường hợp một số đối tượng xấu giả người trông xe rồi chiếm đoạt hàng chục chiếc.
Nhiều người, đến tận nơi làm việc mới biết bãi gửi xe bị “xóa sổ”, vác xe chạy lang thang mất cả tiếng đồng hồ. Anh Nguyễn Tiến Mạnh ở Trần Duy Hưng kể: “Tìm mãi chỗ gửi không được, tôi đành gọi bà xã đi xe ôm đến mang xe… về nhà. Thôi, chiều xong việc đành nhờ bạn hoặc chở hoặc đi xe bus! Mình thế còn may, chứ ngay trong buổi sáng ngày hôm nay, cơ quan tôi có ít nhất 3 đồng nghiệp không tìm được chỗ gửi xe đành gọi điện cáo ốm để… “đánh võng mặt đường”!”.
Trên trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh… vào cuối buổi chiều 15-2-2012 do lượng người đổ về các quán bia, quán nhậu ngày một đông, ô tô, xe máy xếp dừng đỗ tràn lan lòng đường. Ông Vương Bá Khởi (65 tuổi, ở TT Thành Công, Đống Đa, Hà Nội), bức xúc: “Từ trước tới giờ, khi đưa, đón cháu đi học về, hai ông cháu toàn phải “cuốc bộ” lòng đường. Nay thành phố dẹp bỏ các điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng hè đường, trả lại không gian giao thông cho mọi người là hoàn toàn đúng, là việc nên làm. Nhưng quan trọng phải thực hiện triệt để, chứ không chỉ hô hào, phải đảm bảo công bằng, không né người nọ, tránh người kia, dù công hay tư, dù cơ quan nhà nước hay tư nhân kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà vi phạm cũng phải kiên quyết xử lý…”.
Hiện tại, nhiều người dân phân vân vì lệnh cấm này của UBND Tp. Hà Nội. Phần lớn đều lo lắng bãi xe mới sẽ ở đâu, xa hay gần nơi làm việc, sinh sống? Hợp đồng gửi xe họ đã ký với chủ bãi có thời hạn cả năm, giờ thanh lý thế nào?
Ngay bản thân những chủ bãi xe bị thu hồi giấy phép cũng băn khoăn, không biết rồi đây khi Thành phố cho phép mở các điểm trông giữ xe mới, họ có được ưu tiên trong việc đấu thầu hay không. Anh Lê Văn Nam, chủ bãi xe trên đường Đinh Tiên Hoàng tâm sự: “Công việc, thu nhập chính của cả gia đình tôi dựa vào bãi trông xe này. Nay bị cấm biết làm gì để sống?”
Nan giải bài toán xử lý vi phạm
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý vi phạm trên 262 tuyến phố sẽ hết sức khó khăn, bởi với lượng công việc khổng lồ đòi hỏi phải huy động một lực lượng liên ngành hùng hậu, hoạt động liên tục tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, “bịt” chỗ nọ, “bung” chỗ kia. Ngay cả việc xử phạt ra sao để ngăn chặn tái phạm, xe thu giữ thế nào? Liệu có khoảng trống để xếp hàng ngàn, hàng vạn chiếc xe vi phạm cũng phải được tính đến.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phân tích: “Thực tế, việc cấm tổ chức trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố là một trong những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn. Khi không có điểm đỗ buộc người dân phải lựa chọn phương tiện giao thông khác phù hợp với nhu cầu công việc”.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Nhu cầu gửi xe của nhân dân là rất cao nên Sở sẽ xem xét để cố gắng đáp ứng tới mức tốt nhất. Để đáp ứng nhu cầu đó của người dân, liên ngành Giao thông và Công an thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình Thành phố xem xét cấp phép trong thời gian sắp tới”.
Được biết trong đề án mới này, chính quyền sẽ không cấp phép đối với các điểm, bãi đỗ xe tại những trục giao thông chính yếu, các tuyến hướng tâm, đường vành đai, tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện hoặc điểm dừng đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư, khu bảo vệ và các tuyến phố đi bộ. Không cấp phép đối với các điểm đỗ xe trên các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m. Không cấp phép đối với vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 5m và các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao.
“Quá trình thực hiện có thể chỗ này chỗ khác còn hiện tượng vi phạm, nhưng giờ quy định rõ ràng thì người dân và các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ làm theo. Không phải bây giờ mới xử lý mà liên ngành từng mở nhiều đợt kiểm tra rất mạnh, nhưng tình hình chưa có nhiều chuyển biến. Do vậy, bây giờ sẽ tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Công an thành phố để kiểm tra, xử lý vi phạm việc dừng, đỗ xe sai quy định, tổ chức kéo xe vi phạm về các bãi tập kết để đảm bảo an toàn giao thông. Các lực lượng sẽ “xuất quân” bắt đầu từ ngày 16-2-2012”, ông Giáp cho biết thêm.
Một số ý kiến khác cho rằng, tình trạng cấp phép bãi đỗ xe hiện nay rất chồng chéo, dẫn đến việc khó xử lý triệt để những tồn tại gây bức xúc cho nhân dân. Nhân dịp ra quân lần này, thành phố cần siết lại trật tự kỷ cương trông giữ phương tiện trên địa bàn để phục vụ tốt nhất lợi ích chính đáng của người dân. Việc có để nhiều thành phần tham gia quản lý bãi xe như hiện nay hay không cũng phải được xem xét thấu đáo.
Trung Thành