Bình Thuận làm gì để cây thanh long trở thành “biểu tượng nông nghiệp”? Bài 2: Cả “ba nhà” cùng xây
Giữa trưa nắng gay gắt, ông Quang bước ra từ vườn thanh long rực đỏ, miệng cười thật tươi, giọng tếu táo rằng: “Nhà nước đã không để người trồng thanh long đơn độc, thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa nữa rồi”.
“Đòn bẩy” chính sách và thị trường
Gia đình ông Hà Văn Quang (thôn 3, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân) chỉ có hơn ba sào thanh long, với khoảng 400 cây, nhưng đó lại là sản nghiệp nuôi sống cả gia đình có 5 thành viên.
Ông Quang chỉ mới trồng thanh long từ năm 2018 và phải nếm trải qua nhiều “sóng gió”, khiến cho ông suy sụp tinh thần và từng nghĩ đến chuyện buông bỏ nghề trồng trọt. Nhưng rồi, người đàn ông có nước gia sạm nắng, trạc ngoài 60 tuổi này đã tự trấn an: “Nếu ai thấy khó mà cũng chọn cách chặt bỏ vườn thanh long thì sao tỉnh Bình Thuận có thể được xem là “thủ phủ thanh long?”.
Và cùng với sự động viên, giúp sức của người thân trong gia đình, ông Quang đã kiên trì vượt qua khó khăn. Đến nay, vườn thanh long ấy vẫn đều đặn mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Quang.
Nghe nói, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên (cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã) với chính quyền địa phương, để quảng bá sản phẩm thanh long đến người tiêu dùng, rồi còn đưa thanh long vào các hệ thống siêu thị lớn như: Coop Mart, Lote Mart, MM Mega Market, WinMart, Big C, chợ đầu mối nông sản… để cung ứng thanh long trái tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh long.
Đây quả là tin vui cho nông dân trồng thanh long; bởi lâu nay bà con vẫn còn nặng gánh lo về chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
“Niềm vui của tôi cũng như của nhiều người khác, đều có sự tiếp sức của doanh nghiệp, vì họ chính là đầu ra cho sản phẩm thanh long, góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn mới. Tôi mong các doanh nghiệp sẽ luôn làm ăn phát đạt, để tiếp tục đồng hành với người nông dân”, ông Quang nói với giọng mộc mạc, gần gũi của người Nam Trung Bộ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Thanh Long Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Tam lại có mục tiêu xa hơn: “Để doanh nghiệp thuận lợi đồng hành với người nông dân thì Bình Thuận cần đa dạng hóa các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại; tạo thuận lợi, dễ dàng cho du khách, người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm thanh long Bình Thuận; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước, củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm”.
“Sản xuất thanh long sạch là xu hướng tất yếu và là sự sống còn của nông dân. Thế nên, nhà nước cần cung cấp thêm “đòn bẩy” chính sách để tập trung giảm phát thải khí nhà kính, giúp cho thanh long của Bình Thuận có được “tấm hộ chiếu” thâm nhập thị trường toàn cầu”, ông Tam kiến nghị thêm.
Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, Hà Lê Thanh Chung bày tỏ sự đồng cảm với nông dân trồng thanh long tại địa phương và doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn rằng, nhà nước đã tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Vì vậy, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục có những chính sách nâng đỡ, nhằm tạo điều kiện cho cây thanh long phát triển bền vững; trong đó, tỉnh lưu ý đến sự cần thiết phải phát triển vùng trồng, phát triển ngành hàng thanh long hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến gắn với liên kết sản xuất, chế biến; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Ông Hà Lê Thanh Chung nói thêm, việc phát triển bền vững cây thanh long phải phù hợp với Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất của các địa phương; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, hài hòa với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh.
Thời gian tới, Hàm Tân sẽ tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào ngành hàng thanh long; doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn.
Thay đổi thực tiễn để phát triển bền vững
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, Nguyễn Văn Phúc thông tin về giải pháp phát triển bền vững cho cây thanh long, từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận sẽ quy hoạch diện tích cây thanh long trên toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đạt khoảng 70-75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích.
Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organnic) khoảng 5% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích thanh long được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 70%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm…
Thêm nữa, để cải thiện năng suất thanh long, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn và phát triển giống thanh long ruột trắng Bình Thuận; ứng dụng và chuyển giao các giống thanh long mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng giống thanh long (ruột trắng, ruột đỏ, thanh long vỏ vàng) phù hợp nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, tỉnh sẽ chọn và mua bản quyền một số giống thanh long mới có năng suất, chất lượng cao; trước mắt ưu tiên mua và bảo vệ bản quyền giống thanh long ruột trắng do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo để tái canh các vườn thanh long ruột trắng Bình Thuận đã già cỗi, nhiễm sâu bệnh hại; tăng cường công tác quản lý giống, sử dụng giống đúng tiêu chuẩn để đưa vào sản xuất nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.
“Sắp tới, huyện Hàm Thuận Nam sẽ thay đổi thực tiễn, sẽ phát triển thanh long theo hướng tập trung quy mô lớn, sạch, bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, Nguyễn Văn Phúc cập nhật kế hoạch mới.
Trên các vùng chuyên canh, tại nhiều huyện như: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình... mỗi câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ người nông dân, dù có những thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng trong ánh mắt họ đều ánh lên niềm tin đổi mới, vươn lên làm giàu từ cây thanh long.
Chợt nhận ra, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả “ba nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông), giá trị và danh tiếng của cây thanh long Bình Thuận chắc sẽ được vươn xa…
Đẩy mạnh thực hiện chính sách “Tam nông”
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương, sở, ngành… phải thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Tín dụng; Hỗ trợ phát triển sản xuất giống; Hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; Phát triển hợp tác xã; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển thị trường; Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
LOẠT BÀI: Bình Thuận làm gì để cây thanh long trở thành “biểu tượng nông nghiệp”?
Bài 1: "Chìm nổi" cùng cây thanh long
Bài 2: Cả "ba nhà" cùng xây...
Bài 3: Chuỗi giá trị thanh long đã thành hình