Phóng sự - Ghi chép

Bình Thuận làm gì để cây thanh long trở thành “biểu tượng nông nghiệp”? Bài 1: "Chìm nổi" cùng cây thanh long

Sông Hương - Minh Sáng - Huỳnh Sang 11/06/2024 13:31

Đến với “thủ phủ thanh long” Bình Thuận, chúng tôi được tận mắt trải nghiệm những vùng chuyên canh rộng lớn, những vườn thanh long đỏ rực, vàng óng và không khí rạo rực trong mùa thu hoạch…

Quyết tâm bám trụ vào “cây làm giàu”

Từ xã nông thôn mới Hàm Minh, chúng tôi tìm đường đến vùng chuyên canh cây thanh long ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Thuận Quý là xã nông thôn mới nên đường sá được đầu tư khá sạch đẹp, nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 20km. Người dân Thuận Quý hiền hòa, tình cảm, mến khách; ngoài theo nghề đánh bắt thì đa phần họ đều sống nhờ vào việc trồng và chế biến thanh long.

Cây thanh long đang được nhiều nông dân yêu mến gọi là “cây làm giàu”, vì nó mang đến niềm vui được giá, được mùa…

Cay-thanh-long-duoc-nong-dan-binh-thuan-yeu-men-goi-la-cay-lam-giau
Cây thanh long đang được nhiều nông dân Bình Thuận yêu mến gọi là “cây làm giàu”, vì nó mang đến niềm vui được giá, được mùa…

Từ nhiều năm qua, thanh long Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện chất lượng sống của nông dân xã Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và hơn 500 tổ hợp tác chuyên trồng thanh long, với tổng số hơn 10.000 hộ tham gia; khoảng hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long.

Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.730 ha với sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm. Về giống thanh long, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giống thanh long ruột trắng chiếm diện tích khoảng 80%, diện tích còn lại là thanh long ruột đỏ, tím hồng, nay có thêm giống thanh long vỏ vàng ruột trắng.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở 2 hình thức là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu; trong đó có khoảng 2 - 3% xuất khẩu chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu và chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2022, doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. Còn theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh thì lượng thanh long cả nước xuất sang thị trường Trung Quốc khá lớn; trong đó phần lớn là thanh long Bình Thuận. Vì thế, giai đoạn 2016 - 2022, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh 2,637 tỷ USD, bình quân khoảng 376,7 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã khiến cho xuất khẩu thanh long gặp khó khăn. Giá thanh long xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con nông dân, nhiều người trồng thanh long buộc phải phá bỏ vườn thanh long.

Khi-thanh-long-mat-gia-nhieu-nguoi-trong-thanh-long-da-phai-chat-bo-vuon
Khi thanh long mất giá, nhiều người trồng thanh long đã phải chặt bỏ vườn thanh long, để cắt lỗ

Thống kê từ các địa phương, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.498 ha; sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu chưa được bền vững;

Hệ thống cơ sở sơ chế, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu và hạn chế về công nghệ; đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất; thời gian qua diện tích thanh long trên thế giới có chiều hướng tăng, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mêxico tăng nhanh về diện tích và sản lượng nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

Dù vậy, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng hành của doanh nghiệp, phần lớn người trồng thanh long vẫn quyết tâm vượt khó, bám trụ, để có được thành quả tích cực như hiện nay.

“Điểm tựa an sinh” của nông dân

Nhớ lại thời điểm cây thanh long “điêu đứng” vì đại dịch Covid-19, anh Trần Thanh Thiền (tên khác là Hiền, thường trú Đội 5, thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) kể: “Các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước đều tê liệt hết, nhất là thị trường Trung Quốc. Giá thanh long khi đó gần như bằng không, chỉ tầm 500 - 5.000 đồng/kg, chẳng đủ tiền công hái.

Gia đình mình dù xót lòng nhưng đành phải bẻ trái, vứt bỏ để giữ cho cây khỏe mạnh. Nhiều người kém may mắn còn không cầm cự nổi, phải chặt bỏ vườn thanh long để chuyển đổi sinh kế, với cây trồng khác”.

Cay-thanh-long-tro-thanh-diem-tua-an-sinh-cho-nong-dan-tinh-Binh-Thuan
Cây thanh long giờ đây được xem là “điểm tựa an sinh” của nông dân tỉnh Bình Thuận

“Nhưng bây giờ đã khác, giá thanh long gần đây tăng cao trở lại, từ 19.000 đến 38.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Nghĩa là thu nhập của người trồng thanh long đã tốt lên rất nhiều”, giọng nói hồ hởi của Thiền như vừa thổi bay đi những khó nhọc đã có cùng với cây thanh long.

Từ năm 2013 trở về trước, Thiền vốn là kỹ sư điện, làm việc tại công ty Việt Tiến (chi nhánh tỉnh Vĩnh Long), nhưng khi nghe người quen kể chuyện làm giàu từ cây thanh long, người đàn ông này xác định cơ duyên nghề nghiệp mới đã đến. Năm 2014, Thiền quyết định từ bỏ công việc gắn bó suốt 13 năm, về quê trồng thanh long ruột đỏ.

Đầu tiên, Thiền tham gia khóa học ngắn hạn, kéo dài 3 tháng, để tích lũy cho mình nhiều kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phân bón hữu cơ, tưới nước, ngừa dịch bệnh… cho cây thanh long. Sau đó, Thiền bắt đầu trồng thanh long, thời điểm đó chỉ có 1.200 cây; nhưng đến nay vườn thanh long ấy đã tăng gấp 3 lần về diện tích, lên 3,4 ha, với tổng cộng 3.400 cây.

“Xã Thuận Quý hiện có hơn 480 hộ trồng thanh long, với diện tích tổng cộng khoảng 562 ha, cho sản lượng khoảng 16.860 tấn/năm. Vì đây là vùng chuyên canh cây thanh long, lại nằm trong quy hoạch chung nên được tỉnh và địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư về mọi mặt như: Chính sách nâng đỡ, tạo điều kiện tiếp cận vốn, áp dụng công nghệ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long”, anh Đồng Văn Triểm (cán bộ Quản lý nông - lâm - ngư nghiệp của xã Thuận Quý) đi thực tế đến vườn thanh long của bà con, giọng phấn khởi giới thiệu đôi nét về vùng chuyên canh này.

Nhieu-dia-phuong-dua-ra-giai-phap-giup-cay-thanh-long-phat-trien-ben-vung
Nhiều địa phương vẫn đang thực hiện các giải pháp để giúp cây thanh long phát triển bền vững, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn mới

Công tác tại xã Thuận Quý từ năm 2009 đến nay, anh Triểm nói thế mạnh của cây thanh long là cho trái quanh năm, giúp người trồng có được thu nhập tốt, nếu may mắn có thể vươn lên làm giàu. Nhưng theo vị cán bộ xã, việc phát triển bền vững cho cây thanh long vẫn còn nhiều “điểm yếu” như: Giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa cao, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Sự phối hợp và tính liên kết giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác chưa chặt chẽ.

Chưa hết, công tác tuyên truyền, vận động nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long chưa được tích cực. Công tác dự báo, nghiên cứu, phát triển thị trường còn yếu; Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến chưa được tổ chức thực hiện tốt…

Nhưng dù sao đi nữa, với kinh nghiệm gần 15 năm có được từ cây thanh long, anh Triểm vẫn luôn tin rằng loại cây này chắc chắn sẽ thành “biểu tượng nông nghiệp” của địa phương trong nay mai.

Để củng cố thêm niềm tin ấy, anh Triểm khoe rằng, gia đình anh hiện đang trồng 4,3 ha thanh long và mang lại nguồn thu nhập kha khá.

Khi nhớ lại cái ngày đặt trụ thanh long đầu tiên, anh Triển xúc động lắm: “Cây thanh long nó nuôi mình, chứ có phải mình nuôi nó đâu. Vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là các loại cây trồng khác”.

Ở Bình Thuận, dù thanh long vẫn phải chịu nhiều phen “chìm nổi”, giá cả bấp bênh nhưng nó luôn được xem là “điểm tựa an sinh” của bao người. Vì lẽ đó mà chính sách phát triển bền vững cho cây thanh long đang được gấp rút thực hiện…

Tỉnh Bình Thuận hiện có gần 26.500 ha thanh long, cho sản lượng trên 570.500 tấn/năm; có 35 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và hơn 500 tổ hợp tác chuyên trồng thanh long, với tổng số hơn 10.000 hộ tham gia; khoảng hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long...

LOẠT BÀI: Bình Thuận làm gì để cây thanh long trở thành “biểu tượng nông nghiệp”?

Bài 1: "Chìm nổi" cùng cây thanh long

Bài 2: Cả "ba nhà" cùng xây...

Bài 3: Chuỗi giá trị thanh long đã thành hình

Sông Hương - Minh Sáng - Huỳnh Sang