Nước biển miền Trung đã đạt chuẩn để tắm và nuôi thủy sản
Đời sống - Ngày đăng : 13:10, 22/08/2016
Theo đó, 8h sáng 22/8, tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, Bộ TN-MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Tại hội nghị, các nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Đây là nội dung được chờ đợi với hàng loạt câu hỏi cụ thể về chất lượng nước biển, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Kết quả công bố về hiện trạng biển miền Trung được xem như cơ sở để xác định mức độ an toàn của biển miền Trung từ môi trường nước mặt đến trầm tích tầng đáy biển cũng như phạm vi đánh bắt thủy hải sản an toàn.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch hội thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá đã an toàn chưa, biển đã an toàn chưa, nên các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.
Ông Hồi nói về mức độ tin cậy của môi trường biển, dù có cá nỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. Khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn.
Có mặt tại hội nghị, Tiến Sĩ Schroeder - một chuyên gia người Đức phát biểu, kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao.
Hội nghị công bố hiện trạng biển miền Trung
Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, nhóm chuyên gia đã sử dụng nhiều cách tiếp cận và phương pháp đánh giá, trong đó có việc lấy mẫu nước, lẫy mẫu trầm tích, mẫu mảng bám keo tụ... Đại diện tất cả các mẫu được phân tích trong phòng thí nghiệm, từ đó có kết quả đánh giá bước đầu.
Về chất lượng nước biển, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10 MT:2015/BTNMT về PH, tổng số chất rắn... Hàm lượng Cianua giảm dần từ tháng 5 đến tháng 6 ở Quảng Bình rồi giảm dần ở cuối Thừa Thiên Huế. Hàm lượng Phenol trong nước của tháng 5 hàm lượng cao tập trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, đến tháng 6 Phenol phân tán và chuyển dịch sang Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đến nay thì giảm dần.
Chất lượng nước biển có thông số nằm trong giới hạn cho phép tại các bãi tắm đều đạt quy chuẩn. Tổng Phenol trong tầm tích từ tháng 5 phân bố ở khu vực giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị. Sau đó, hàm lượng Phenol phân bố ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, Phenol trong trầm tích có xu hướng giảm dần.
Đến thời điểm này, khẳng định rằng chất lượng nước biển an toàn, chất lượng trầm tích nằm trong giới hạn cho phép, nhưng ở vùng Sơn Dương, Hà Tĩnh, một số vùng ở Quảng Bình gần bờ biển tập trung cao Phenol và Cianua cần được giám sát chặt chẽ.
Về mảng keo tụ, trong các khu vực có rạn san hô và rạn đá ngầm được khảo sát trong tháng 6 vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng bám trên bề mặt. Hệ sinh thái rạn san hô vào tháng 4, tháng 5 chết trắng, sau đó dần khôi phục và xuất hiện rong phủ tốt hơn. Đánh giá, 100% rạn san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng một số vùng, nhưng sau đó có phục hồi. Đến thời điểm này không còn hiện tượng san hô chết hàng loạt như tháng 4, tháng 5.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo kết quả kiểm nghiệm đánh giác mức độ an toàn của mẫu hải sản cho thấy, hàm độ một số chất ô nhiễm giảm dần theo thời gian. Kiến nghị, cần theo dõi và đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và các hệ sinh thái ven bờ biển khu vực miền trung và giám sát các dự án, khu công nghiệp ...
Trên cơ sở kết quả đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm môi trường biển các hệ sinh thái 4 tỉnh miền trung cho thấy, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía đông Nhật Lệ, Hòn Sơn Chài) có khả năng phân tán các chất trong nước, nên cần theo dõi chặt.