Chính trị

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Trẻ em là đối tượng giáo dục chứ không phải trừng phạt

Mai Thoa 08/06/2024 14:42

Phát biểu tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, sáng 8/6, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt; Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt với trẻ em phạm lỗi lầm...

z5519005381408_584c7a106c4d7181e3439643f0c318a9.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp sáng nay 8/6.

Lấy quy trình tố tụng người lớn áp dụng cho trẻ em là không hiệu quả

Phát biểu tại tổ đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp NCTN, trong đó có Việt Nam. Hiện chúng ta đang có khoảng 10 đạo luật khác nhau đề cập đến việc này. Việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút để áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả.

Theo người đứng đầu hệ thống Tòa án, trước đây, Bộ Tư pháp đã có sáng kiến lập pháp về tư pháp NCTN, nhưng vì nhiều lý do nên chưa làm được. Hiện Quốc hội giao cho TANDTC xây dựng đạo luật này.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức pháp luật chưa có, bộ não chưa hình thành một cách đầy đủ.

Về mặt hành vi, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, họ thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động. Các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội.

Mặt khác, theo Chánh án, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội, đối mặt với hệ thống tư pháp nặng nề của chúng ta, các cháu dễ bị tổn thương.

Trước băn khoăn của các đại biểu là chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều nước nghiên cứu nếu các cháu phạm tội cho vào trại giam luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Nhiều nước áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, với tinh thần cứu các cháu khỏi nhà tù, tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 85%.

Hơn nữa việc xử lý NCTN về mặt tư pháp phải sử dụng tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp. Do đó rất cần tích hợp vào một đạo luật riêng để xử lý chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”.

"Dự thảo Luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hợp quốc. Rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong đạo luật này", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Cũng theo Chánh án, đạo luật quán triệt tinh thần với một số tội phạm như giết người, hay sản xuất ma túy không được khoan hồng.…

Những chính sách nhân văn cũng được thể hiện trong đạo luật như không được tuyên tử hình, chung thân với trẻ em, mức án ít hơn nhiều so với người trưởng thành khi phạm cùng một tội danh, hay thời hạn điều tra với các cháu ngắn hơn so với người lớn.

z5519044442320_5ec7ff1f86341cd48a4529254f85454e.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 8/6

Trừng phạt không phải biện pháp khả thi với trẻ em

Dẫn câu nói nổi tiếng của Marx "Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đặt các cháu vào tình trạng kéo dài thời hạn điều tra như người lớn thì thực chất đã đặt các cháu vào tình trạng tâm lý rất căng thẳng.

Ngoài ra, các cháu không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng. Trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên không khéo có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành trở nên chuyên nghiệp hơn. Vì vậy việc tiếp cận với đối tượng phạm tội trong trại giam phải được cấm kị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Dự thảo luật cũng yêu cầu cán bộ điều tra, truy tố, xét xử phải là những cán bộ có hiểu biết về NCTN (về tâm lý, sinh lý), phải tiến hành xét hỏi trong môi trường thân thiện. Nếu gộp chung với người lớn thì việc này không thực hiện được.

Toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của người lớn phải được công khai, nhưng trong đạo luật này không được công khai với NCTN. “Vì người ta nghĩ đến cuộc đời rất dài của các cháu. Nếu công khai, các cháu sẽ bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ rất mong manh”.

Cũng theo Chánh án TANDTC, hình phạt hiện nay với NCTN không hợp lý, “quá nặng với các cháu”. Chuyện đánh nhau, ăn cắp vặt…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tư pháp chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.

“Tôi đi dự nhiều hội thảo quốc tế, đưa dự thảo này cho một số chuyên gia nước ngoài, họ đánh giá cao, thậm chí cho rằng có một số quy định còn tiến bộ hơn châu Âu”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

8.6_nguyen_cong_long_1-ok.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu thêm cuối phiên thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, nhiều nước khi đưa Luật Tư pháp NCTN vào thi hành, tội phạm hình sự NCTN giảm xuống chứ không tăng.

Chánh án cho rằng, chúng ta nên xác định trẻ em là đối tượng giáo dục là chính chứ không phải trừng phạt; không nên coi trừng phạt thật nặng với các cháu để bảo đảm tính răn đe. Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt với trẻ em phạm lỗi lầm.

Chánh án cho rằng không nên coi trừng phạt thật nặng với các cháu để bảo đảm tính răn đe. Với người trưởng thành, quan điểm này có thể đúng, nhưng người lớn lấy quan điểm này ra áp dụng với trẻ em là sai lầm.

“Nỗ lực của dự án Luật này là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam, thay vào đó là áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…), để hạn chế mức tối đa các cháu không phải vào trại.

Khi vào trại, tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại rất khó khăn. Nếu bị giam chung với người lớn thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt. Từ việc làm quen như vậy, các cháu sẽ không còn sợ nữa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định.

“Chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đó là biện pháp cuối cùng. Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều các cháu thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đừng có nghĩ xử thật nhiều, thật nghiêm sẽ làm cho tình hình tốt hơn. Không nên nghĩ như thế. Đó là quan niệm sai” - Chánh án nói.

Tại tổ ĐBQH đoàn Hải Phòng, Kon Tum, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang, các đại biểu đã biểu quyết bày tỏ chính kiến về hai nội dung còn ý kiến khác nhau gồm việc tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết riêng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN.

Kết quả, 19/19 đại biểu có mặt tại phiên thảo luận tổ đều đồng thuận với quan điểm của TANDTC (cơ quan soạn thảo) đã thể hiện tại dự thảo.

Mai Thoa