Nghiệp vụ

Biện pháp xử lý chuyển hướng: Chế định tố tụng ưu việt để xử lý người chưa thành niên phạm tội

Nguyên Bình 08/06/2024 - 12:29

Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội.

12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Theo đó, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp XLCH áp dụng đối với người chưa thành niên, cụ thể:

06 biện pháp được áp dụng độc lập, gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

z5518752269617_80993f79a2b3940a5a506a8dc5e2a289.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 8/6.

06 biện pháp không áp dụng độc lập, chỉ được áp dụng đồng thời với biện pháp XLCH khác, gồm: Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Cấm tiếp xúc; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định.

Bên cạnh việc kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật quy định phù hợp phạm vi áp dụng biện pháp XLCH như sau:

Cho phép người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi được chuyển hướng thêm 09 tội danh gồm: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội cướp giật tài sản; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy.

Dự thảo Luật cũng quy định, không được chuyển hướng với 05 tội danh gồm: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Cho phép người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được chuyển hướng thêm 02 tội danh (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội cướp giật tài sản) và tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.

Dự thảo Luật cũng quy định không được chuyển hướng với 06 tội danh thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng gồm: Tội hiếp dâm; Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy.

Để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng, dự thảo Luật quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp XLCH như sau:

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự; người chưa thành niên là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Chỉ được xem xét áp dụng biện pháp XLCH đối với NCTN khi có đủ các điều kiện sau đây: Có chứng cứ đã thực hiện hành vi phạm tội; Thừa nhận mình có tội; Đồng ý xử lý chuyển hướng; Quy định 06 biện pháp XLCH chỉ được áp dụng đồng thời với một hoặc nhiều biện pháp XLCH khác.

z5518748946646_25595e0edab9a883a058e2e28b943eda.jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu thảo luận.

Quy định cần thiết, tiến bộ

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp XLCH linh hoạt, phù hợp với từng NCTN. Theo đó, bổ sung nguyên tắc khi áp dụng biện pháp XLCH phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên và sự an toàn của bị hại, của cộng đồng.

Việc lựa chọn biện pháp XLCH nào áp dụng đối với NCTN phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của NCTN; NCTN phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp XLCH; không áp dụng biện pháp XLCH nếu tại thời điểm xem xét mà người phạm tội đã đủ 18 tuổi.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn Bắc Giang nhận định, đây là quy định cần thiết và tiến bộ, có thể khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Quy định hiện nay chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm của NCTN phạm tội. Một số hình phạt chưa có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành; mức hình phạt tù áp dụng với người chưa thành niên còn quá nghiêm khắc…Đặc biệt, thủ tục tố tụng đối với NCTN chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý và nhân văn.

Đại biểu cũng đánh giá cao nhiều biện pháp XLCH mới được bổ sung như: hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình... sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình XLCH để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục NCTN.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đánh giá, dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính nhân văn, nhân đạo đối với NCTN phạm tội.

Đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây, Bộ Tư pháp và Viện KSNDTC đã nhiều lần kiến nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhưng chưa được chấp thuận. Nay Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Quốc hội về vấn đề này.

z5518748945292_058d1dce1788d73711a6b657b4945d8e.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH Bắc Giang phát biểu thảo luận tại tổ.

Về 12 biện pháp XLCH, đại biểu đánh giá đây là điểm tiến bộ so với BLHS hiện hành. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan tố tụng lựa chọn áp dụng phù hợp nhất với đối tượng NCTN, bởi mỗi NCTN đều có hoàn cảnh gia đình, mức độ vi phạm khác nhau.

Đại biểu cũng cho rằng cần mở rộng các trường hợp được áp dụng chuyển hướng để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành XLCH.

Qua đó, vừa bảo đảm mục tiêu lấy giáo dục, giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu an toàn cho cộng đồng. Hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề nếu được XLCH sớm.

Nguyên Bình