Đề nghị gỡ vướng vụ hàng trăm hộ dân bị “nợ” cấp đất dịch vụ ở Bắc Giang
Mặc dù UBND huyện Yên Dũng và UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt, sâu sát trong giải quyết những tồn tại về giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nhằm ổn định đời sống người dân nhưng do vướng mắc về luật nên hai đơn vị trên đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của trung ương để sớm tháo gỡ…
Ngày 01/06/2024, Báo Công lý đăng tải bài viết: “Bắc Giang: Cần giải quyết dứt điểm việc cấp đất dịch vụ cho người dân”, bài viết phản ánh bức xúc của nhiều hộ dân tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vì bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, đô thị dịch vụ và sân golf từ thời điểm năm 2004 đến 2008, nhưng tới hiện tại vẫn chưa được nhận đất dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Sau khi bài viết được đăng tải đã nhân được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn đọc cũng như các cơ quan chức năng của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Hầu hết các phản hồi đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao nội dung vụ việc mà bái báo truyền tải. Bạn đọc cũng mong muốn Báo Công lý tiếp tục theo sát vụ việc và có tiếng nói nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Với tư cách là cơ quan quản lý, sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Công lý, với tinh thần cầu thị, UBND huyện Yên Dũng đã tiếp thu những phản ánh của Báo Công lý về vụ việc.
Theo đó, UBND huyện Yên Dũng cho biết, thực hiện các chính sách về giao đất ở và kinh doanh dịch vụ khi nhà nước thu hồi đất, Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn.
UBND xã Nội Hoàng tổ chức bốc lô đợt cuối vào tháng 3/2018. Hồ sơ được hoàn thiện, trình ban hành Quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho các trường hợp đã nộp đủ tiền sử dụng đất và bốc lô theo quy định. Đến nay còn tồn 89 trường hợp đã nộp đủ tiền và bốc lô chưa được giao đất, GCN; 148 lô đất chưa được bốc lô.
Ngày 24/5/2018, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 2650/KL-BTNMT về việc chấp hành pháp luật về TN&MT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có nội dung: Tại Phần C, mục I, điểm 2 ghi những tồn tại: “ ...ban hành chính sách giao đất ở để chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi và thực hiện giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật; ...“
Sau KLTT, UBND huyện chưa nhận được văn bản cụ thể về ý kiến hoặc chỉ đạo thực hiện chính sách đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh hoặc chỉnh sửa Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND và Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND hoặc có văn bản chấm dứt việc tổ chức thực hiện được giao đất ở và kinh doanh dịch vụ. Trong toàn văn bản KLTT cũng không thấy đề cập đến các nội dung liên quan đến 2 Quyết định này của UBND tỉnh Bắc Giang.
Mặt khác, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ đến nay đã hết hiệu lực, tuy nhiên được chuyển tiếp tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định tại Điều 34 Xử lý một số vấn đề phát sinh khi ban hành Nghị định: 3. “Trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2014 thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã phê duyệt. Chính sách đất ở và kinh doanh dịch vụ là một nội dung hỗ trợ khi nhà nước thu hồi”.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, tại thời điểm này trên địa bàn xã Nội Hoàng đã bố trí đủ đất để giao cho các trường hợp được hưởng tiêu chí theo các văn bản cho phép của UBND tỉnh thời điểm thu hồi đất.
“Tuy nhiên, đến nay do chưa có ý kiến cho phép tiếp tục thực hiện của cấp có thẩm quyền nên chưa được xét giao đất. Các hộ gia đình liên tục có đơn thư, khiếu nại và gây áp lực, điều kiện khi nhà nước thực hiện thu hồi các dự án khác trên địa bàn không kê khai, nhận tiền bồi thường khi chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Văn Thưởng cho hay.
Ngoài Yên Dũng việc giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các huyện Việt Yên và TP Bắc Giang cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, cơ quan này cũng đã có báo cáo gửi Bộ TN&MT vể việc đề nghị giải quyết những tồn tại, vướng mắc về giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang.
Theo địa phương này, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2013, tỉnh Bắc Giang tập trung thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng 4 Khu công nghiệp trọng điểm: Khu công nghiệp Đình Trám; Khu công nghiệp Quang Châu; Khu công nghiệp Vân Trung; Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và các công trình phụ trợ phục vụ Khu công nghiệp (gồm: kênh tiêu, đường gom ngoài khu công nghiệp, đất dịch vụ...).
Thực hiện quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng giao đất ở và kinh doanh dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không còn quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bằng việc giao đất ở và kinh doanh dịch vụ; đồng thời quy định việc giao đất ở chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Do việc thu hồi đất trong giai đoạn dài nên việc thống kê, rà soát số liệu các dự án thu hồi, diện tích thu hồi, số hộ được hưởng chính sách hỗ trợ bằng giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn từng huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn (hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại nhiều cơ quan, đơn vị) nên các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB và liên tục có đơn thư khiếu kiện phức tạp kéo dài; người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất, nhận tiền bồi thường, phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Bộ TN&MT, công tác bồi thường, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống và sản xuất trên địa bàn tỉnh đã diễn ra trong thời gian dài (2003-2013) và các quy định về cơ chế, chính sách cũng liên tục thay đổi theo từng giai đoạn.
“Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người có đất thu hồi, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài tại địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định biện pháp hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ”.
Hiện tại, UBND huyện Yên Dũng và UBND tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực triển khai, rà soát lại các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền để báo cáo và chờ hướng dẫn thực hiện của Bộ TN&MT và Thủ tướng Chính phủ, trong việc đền bù đất cho người dân.
Về phần người dân, họ cũng còn một số thắc mắc về việc sau khi có Kết luận thanh tra số 2650/KL-BTNMT vào năm 2018, nhưng năm 2021 UBND huyện Yên Dũng vẫn tiếp tục cấp GCN đất cho một số hộ dân mà không cấp cho những hộ còn lại, điều này đã khiến cho họ cảm thấy thiếu công bằng.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.
Về kết quả rà soát giao đất ở và kinh doanh dịch vụ trong phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, theo số liệu thống kê, rà soát của UBND các huyện, TP Bắc Giang, Việt Yên, Yên Dũng thì tổng số lô để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên 7.000 lô đất ở, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 257,45 ha.
Còn theo Sở TN&MT tỉnh này, trong số trên 7.000 lô đất ở và kinh doanh dịch vụ đã tổ chức ghép 6.803 lô, số lô còn vướng mắc 711 lô.