Hà Nội chi 53 tỷ đồng cắt cỏ đại lộ Thăng Long: Cỏ vẫn um tùm, lương công nhân "bèo bọt"

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 19/08/2016

Dự án “cắt cỏ, tỉa hoa” tại Hà Nội có giá trị nhiều tỷ đồng được công khai đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên 2 bên hành lang Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), cây cối vẫn rậm rạp, um tùm. Trong khi nhiều công nhân cho hay, họ được trả lương rất “bèo bọt”.

700 tỷ đồng chi cho cắt cỏ

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội ngày 15/8 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cung cấp một thông tin mà ông cho rằng "nói ra nhiều người sẽ giật mình" và điều đó là “không thể chấp nhận được".

Đó là chi phí tỉa cây, cắt cỏ một năm hết 700 tỷ đồng, riêng cho 24km Đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng. Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, thành phố đẩy mạnh trồng cây xanh, với chi phí chưa đến 40 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí cắt cỏ trên địa bàn hằng năm rất lớn và lãng phí.

“Ở các nước người ta trồng cây tự nhiên để tạo cảnh quan chứ không làm tốn kém như mình… Tôi chỉ nêu một điều có lẽ khiến nhiều người giật mình, đó là chỉ 24 km ở Đại lộ Thăng Long nhưng một năm riêng tiền cắt cỏ và tỉa một ít trúc anh đào, một ít hoa dâm bụt là 53 tỷ đồng thì không thể chấp nhận được”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Hà Nội chi 53 tỷ đồng cắt cỏ đại lộ Thăng Long: Cỏ vẫn um tùm, lương công nhân

Công nhân cắt cỏ trên Đại lộ Thăng Long

Theo Chủ tịch Hà Nội, bắt đầu từ này 1.7, TP quyết định dừng lại toàn bộ việc cắt tỉa và trồng cây hoa cảnh tại các vườn hoa trên địa bàn chỉ để lại một số vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số điểm quan trọng. “Với quyết sách này giúp TP tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm”, ông Chung chia sẻ.

Con số này không “sốc” sao được khi đem so sánh với dự toán thu ngân sách của một số địa phương nghèo cả nước trong 1 năm. Cụ thể, tỉnh Bắc Kạn năm 2015 khoảng 440 tỷ đồng, Điện Biên 727 tỷ đồng, Lai Châu 788 tỷ đồng và Cao Bằng 973 tỷ đồng… còn việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ tại các vườn hoa của Hà Nội khoảng 700 tỷ đồng.

Mặc dù chi đến 53 tỉ đồng, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, ngoài đoạn đầu Đại lộ Thăng Long đối diện khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), cây cối được cắt tỉa thành hình khối rất đẹp và gọn gàng, còn lại từ cầu sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm) dọc về phía huyện Quốc Oai, hành lang 2 bên Đại lộ Thăng Long dài 24 km này, cây cối mọc um tùm lâu ngày không được cắt tỉa. Thậm chí, nhiều chỗ cây chìa ra lấn cả lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Nhiều chỗ cây cỏ dại mọc quá đầu người, leo lên rào bảo vệ hành lang Đại lộ Thăng Long trông rất mất mĩ quan.

Được biết, ngoài dự án “cắt cỏ hết 53 tỷ đồng” này thì cũng có các dự án “cắt cỏ, tỉa hoa” có chi phí khủng khác như gói thầu “Duy trì cây xanh, thảm cỏ dưới gầm tuyến Vành đai 3 (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao Trung Hòa)” có giá là 31.274.768.000 đồng, giá trúng thầu lên tới trên 28.084.580.000 đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội. Thời gian hợp đồng tương tự trong 45 tháng.

Dự án “Duy trì cây xanh, thảm cỏ dưới gầm tuyến Vành đai 3 (đoạn từ nút giao Trung Hòa đến nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi)” có giá trúng thầu trên 16 tỷ đồng. Công ty cổ phần cây cảnh Nam Điền là đơn vị trúng thầu trọn gói. Thời gian hợp đồng tương tự là 45 tháng.

Cùng thời gian 45 tháng dự án “Duy trì cây xanh thảm cỏ khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội” cũng được trúng thầu với giá trên 30 tỷ đồng. Tại tuyến đường Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, việc duy trì cây xanh thảm cỏ cũng có giá trúng thầu lên tới hơn 26 tỷ đồng cho 45 tháng.

Lương công nhân 3 triệu đồng, tiền cắt cỏ đi đâu?

Thông tin mà Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đưa ra thật sự đã “gây sốc” cho nhiều người. Bởi tính toán một cách đơn giản thì việc cắt cỏ và tỉa cành cho những cây trúc đào, hoa dâm bụt trồng ở 24km đường cao tốc Đại lộ Thăng Long mà cũng tốn đến gần 150 triệu đồng/tuần. Với số tiền này, chắc hẳn ai cũng nghĩ nghề cắt cỏ là nghề “hái ra tiền”.

Con số 53 tỷ đồng đang trở thành tâm điểm của dư luận trong những ngày qua. Đa phần các ý kiến đều bất bình và cho rằng đây là một sự lãng phí quá lớn. Dư luận đặc biệt đồng tình với quyết định “dừng cắt cỏ” của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và họ cho rằng lãnh đạo TP. Hà Nội đã nhìn ra "góc khuất"  trong các khoản chi phục vụ công ích.

Với con số này, không chỉ người dân thấy sốc, mà chính những công nhân Xí nghiệp Duy trì cây xanh số 5 - Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội đang làm việc trực tiếp tại vườn hoa trên dải phân cách đại lộ Thăng Long (đoạn dưới chân cầu vượt Mễ Trì) đều bày tỏ sự bức xúc và cho rằng số chi phí cho việc cắt cỏ, tỉa cây trên đường này là quá lớn. Một số công nhân ở đây chia sẻ, họ làm cả tháng, trừ 4 ngày chủ nhật mà lương hàng tháng chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng.

Theo nhóm công nhân này, công việc hàng ngày của họ chủ yếu là làm cỏ, thay cây. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 vừa qua, họ không còn lương và chỉ tính số ngày công. Hiện, họ đang cầm chừng làm để nối bảo hiểm. Nhiều người đã phải nghỉ chờ việc.

Những ngày qua, trên các diễn đàn, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quyết định của Hà Nội. Thậm chí, cũng có nhiều người hiến kế việc nên trồng loại cây gì ở trên đại lộ đẹp nhất Thủ đô. Nó cho thấy, người Hà Nội thật sự quan tâm nhiều đến cảnh quan, môi trường sống; quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, từ câu chuyện của việc cắt cỏ trên 24km dọc đại lộ Thăng Long, câu hỏi đặt ra là có hay không sự trục lợi trong việc chỉnh trang đô thị, làm đẹp thành phố?

Nhiều ý kiến cho rằng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nên sớm làm rõ việc này để đáp ứng mong mỏi của người dân. Dư luận đang từng ngày mong chờ một câu trả lời thỏa đáng trong lúc ngân sách hạn hẹp, nợ công gia tăng

Được biết, với chiều dài toàn tuyến lên tới 29,2 km, Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam, có điểm đầu là điểm là ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua địa bàn 4 huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất và điểm cuối là ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh).

Chiều rộng của đại lộ là 140 m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe, 2 dải đường đô thị 2 làn xe cùng dải phân cách giữa. Ngoài ra, còn có 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng.

 

Huy Hùng