Chung tay Phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em để bảo vệ thế hệ tương lai
Lao động trẻ em là vấn đề toàn cầu, trực tiếp và gián tiếp làm tổn hại đến các quyền của trẻ em đã được ghi nhận và bảo vệ trong Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về quyền trẻ em. Bởi vậy, vấn đề phòng ngừa, xoá bỏ lao động trẻ em được cộng đồng quốc tế xem như là một trong những nỗ lực cần thiết để bảo đảm các quyền của trẻ em, đồng thời tạo lập một quan hệ lao động tiến bộ, bảo vệ thế hệ tương lai.
Lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trên thế giới
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trong khi thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.
Theo một báo cáo mới nhất, con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm qua, trong đó có 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổ chức này cảnh báo, số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu vào năm 2022.
Theo đó, 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ). Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5 - 11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12 - 14 là lao động trẻ em và không được đi học. Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn. Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).
Báo cáo cũng cảnh báo rằng trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm gần 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Những số liệu ước tính mới là một lời cảnh tỉnh đối với chúng ta. Chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em mới đang đứng trước rủi ro như vậy”.
Dịch Covid-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1 điểm phần trăm thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7 điểm phần trăm.
Trẻ em bị mắc kẹt trong lao động sẽ bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe bị tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Khi bỏ học, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể bị đói nghèo cả đời.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF cho biết: “Khi đến thăm các trường học, đặc biệt là ở nông thôn, tôi nhận thấy có một số trẻ em không trở lại trường. Các em chỉ khoảng 9 - 10 tuổi nhưng đã phải làm việc cả ngày. Điều này rất nguy hại và làm cho các em dễ bị tổn thương hơn, có nhiều nguy cơ hơn, kể cả bị buôn bán.
UNICEF tin rằng hành động hiệu quả để chống lại lao động trẻ em trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó và hồi phục Covid-19 và bảo vệ trẻ em cần được ưu tiên, chính quyền địa phương cần tìm cách đưa các em trở lại trường”.
Trong những năm vừa qua, công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.
Tăng cường chính sách an sinh xã hội nhằm xóa bỏ lao động trẻ em
Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em Việt Nam và Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây cho thấy, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tồn tại lao động trẻ em. Một là, do hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương. Hai là, do nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững. Ba là, đại dịch Covid-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các đối tác trong xã hội.
Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, chú trọng thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em; Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong toàn xã hội; Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em.
Về phía ILO, bà Ingrid Chrstensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết: “Để đảm bảo các hộ gia đình có nguy cơ không bị ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19 dẫn đến gia tăng lao động trẻ em, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn, cần được ưu tiên. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển sinh kế và an sinh xã hội là những giải pháp chủ chốt”.
Lao động trẻ em hiện đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc ngăn ngừa tình trạng trên. Các nước cần thực hiện các chính sách đồng bộ để hỗ trợ luật pháp quốc gia về lao động trẻ em; các tổ chức quốc tế, chính phủ, nghiệp đoàn, chủ lao động cần chung tay giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo các em được hưởng đầy đủ các quyền và phát triển chính đáng, vì tương lai của chính các em cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.