Phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Thanh Hóa”
Ngày 6/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phối hợp Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa và Lễ phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Thanh Hóa”.
Tham dự buổi lễ có PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; đại diện các phòng, ban của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia; đại diện Sở Y tế và một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh Thanh Hóa cùng hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi lễ, BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không phục hồi. Kỹ thuật ghép tạng được xem là một trong 10 thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kĩ thuật làm thay đổi cuộc sống nhân loại.
Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc… và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao về ghép mô, tạng, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến. Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm.
Tại Thanh Hóa, tháng 6/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não.
Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 21 ca ghép thận, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao…
Tuy nhiên hiện nay, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam nói chung và tại Thanh Hóa nói riêng chủ yếu từ người hiến sống. Nguồn hiến từ người chết, chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng. Trong số 21 ca ghép thận thành công, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chỉ có 2 ca được ghép từ người cho chết não.
Việc thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa là dấu mốc quan trọng trong công tác tư vấn vận động hiến mô, tạng trên địa bàn, góp phần xây dựng và mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.
Tại buổi Lễ, PGS.TS Đồng Văn Hệ trao Quyết định thành lập Chi Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa cho Ban chấp hành Chi hội. Chi hội gồm 37 thành viên do BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm Chi hội trưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đồng Văn Hệ bày tỏ cảm kích về sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, xã hội của tỉnh Thanh Hóa với hoạt động đầy ý nghĩa, nhân văn này.
PGS.TS Đồng Văn Hệ hy vọng việc thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng phong trào đăng ký hiến mô, tạng tại Thanh Hóa, từ đó có thêm nguồn tạng triển khai ghép tim, gan, phổi và nhiều bộ phận cơ thể khác, cứu giúp những bệnh nhân không may mắc bệnh nặng và tin tưởng rằng năng lực của ngành y tế Thanh Hóa sẽ tiến tới triển khai được thêm nhiều kỹ thuật ghép tạng trong tương lai gần.
Ngay sau lễ phát động, hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, thành viên Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa đã đăng ký tham gia hiến tặng mô, tạng với tinh thần “Cho đi là còn mãi”.