Doanh nghiệp và báo chí không thể tách rời, cùng phát triển cộng sinh
Sáng 6/6, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Uỷ ban BCH Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến doanh nghiệp và ngược lại là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên. Điều này đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực, vì mục tiêu chung. Từ thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh, đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước.
Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng, cần thiết, góp phần thành công của doanh nghiệp. Đây không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hoá, phương thức bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin đối tác, phát triển thị trường… Từ đó, doanh nghiệp có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của mình.
Tại Diễn đàn, ông Trịnh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM trình bày, doanh nghiệp Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển. Do đó, để thành công thì trước tiên doanh nghiệp phải chú trọng công tác xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình. Thương hiệu tạo ra nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Báo chí là kênh tuyên truyền đường lối chính sách, cơ chế của cơ quan quản lý Nhà nước, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Từ đó, báo chí đi sát hơn thực tế của doanh nghiệp, phản hồi nguyện vọng của doanh nghiệp. Nhờ có báo chí, truyền thông mà vị trí của doanh nghiệp đã được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng nhiều người biết đến.
Đối với Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội thảo luận, có thể khẳng định doanh nghiệp – báo chí là mối quan hệ đồng hành, hỗ trợ, không thể tách rời, cùng phát triển bền vững. Báo chí chính thống được doanh nghiệp đánh giá là cầu nối lan toả những mặt tích cực, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh.
Theo TS Mạc Quốc Anh, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng, cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước. Không chỉ thế, báo chí còn được xem như là người bạn, người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Cũng tại Diễn đàn, TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số IDS, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội trao đổi, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có được kết quả sản xuất kinh doanh tích cực là do báo chí mang đến dự báo có độ chính xác cao. Nhiều doanh nghiệp thông qua kênh báo chí để thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Trong thời đại số, ngoài báo chí truyền thống như báo in, radio, truyền hình đã xuất hiện nhiều loại hình trao đổi thông tin, truyền thông mới trên nền tảng internet. Báo chí ngày nay thực sự là công cụ tiềm năng trong việc xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong cộng đồng, cũng như xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường, với người tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Như vậy có rất nhiều cách tác động qua lại giữa báo chí, doanh nghiệp và người làm chính sách. Quan hệ Báo chí – Doanh nghiệp – Người làm chính sách có thể được coi là những bộ phận cấu thành không thể tách rời của xã hội. Nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, số hoá trong hoạt động truyền thông hiện nay.
Phát biểu bế mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ, qua các ý kiến phát biểu của đại biểu, chúng ta khẳng định mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ này, báo chí đóng vai trò định hướng, đưa thông tin trung thực tới doanh nghiệp, là mối quan hệ cộng sinh cùng nhau phát triển.
“Chúng ta nên xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Chỉ cần một câu nói của báo chí không chính xác sẽ dẫn đến hệ luỵ khôn lường cho doanh nghiệp”, ông Lợi nhấn mạnh.