Khắc phục "lỗ hổng" về an toàn lao động
Ngay trong quý I/2024 đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Vấn đề an toàn lao động cần được đặt ra hiện nay.
Những vụ mất an toàn lao động nghiêm trọng
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh Xã hội), năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động. Trong đó có 662 vụ tai nạn lao động chết người với 699 người. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.
Ngay trong quý I năm 2024 đã có những vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5 hàng năm), vụ nổ lò hơi tại một công ty gỗ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 công nhân tử vong, 7 người bị thương. Trước đó, hôm 22/4/2024, tại một nhà máy xi măng ở tỉnh Yên Bái, 7 người chết và 3 người bị thương vì đang bảo dưỡng máy nghiền xi măng thì máy bất chợt
hoạt động.
Theo kết luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, hệ thống công nghệ, thiết bị đã được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục năm nay, chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn nhiều bất cập, thiếu sâu sát từ những người có trách nhiệm và cả bản thân người lao động.
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Anh Thơ đánh giá: "Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn".
Cần khắc phục những "lỗ hổng" về an toàn lao động
Ông Nguyễn Anh Thơ cũng cho rằng, những vụ việc nghiêm trọng và đau lòng trên không chỉ là "hồi chuông báo động" đối với doanh nghiệp và người lao động mà còn chỉ ra nhiều "lỗ hổng" về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ cả hai phía.
Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã chỉ ra ba nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: Nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.
Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Để khắc phục điều này, ban quản lý, chủ sử dụng lao động cần yêu cầu bộ phận cơ sở vật chất kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị.
Nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài. Các đơn vị hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan này để không xảy ra những sự việc đáng tiếc, như: người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng. Không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay, đã có đầy đủ các văn bản pháp luật về bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động; có quy định rất chặt chẽ để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn trong hoạt động sản xuất tại các công ty, nhà máy vẫn tồn tại nhiều bất cập.
GS.TS. Lê Vân Trình cho rằng, nếu cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động tại các công ty thì tương đối đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có những nơi chỉ là "bề nổi", hình thức, còn việc thực hiện lại là vấn đề khác. Trong khi đó, pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố tai nạn vệ sinh, an toàn lao động. Vì thế, người đứng đầu cần phải thường xuyên đánh giá rủi ro, nguy cơ tai nạn để khắc phục.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Người lao động làm việc trực tiếp cần được trang bị về quy trình, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp. Đặc biệt, quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; đồng thời cần bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại cần được bố trí đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ.