Đông Anh: Phát hiện loạt dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích
Theo thông tin phản ánh, trên địa bàn huyện Đông Anh không chỉ tồn tại hàng loạt dự án, công trình bị "phù phép" chuyển đổi trái mục đích mà còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm trật tự xây dựng, Luật Đất đai nhưng cũng chưa được xử lý theo quy định.
Nhiều dự án chậm tiến độ không xây dựng các hạng mục theo quy định
Đầu tiên, phải kể đến dự án đầu tư xây dựng cửa hàng dịch vụ siêu thị, câu lạc bộ thể dục thể thao do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án, được UNND TP Hà Nội cho thuê 9.948 m2 đất để thực hiện dự án vào tháng 10/2016.
Tới tháng 6/2020, Sở TN&MT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, liên tục trong thời gian chưa được cấp GCN QSDĐ, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hà Nội liên tiếp xây dựng nhà xưởng trái phép từ các năm 2017, 2018, 2019 khoảng 800m2, 1.827m2, 1.704m2.
Những vi phạm trên đã bị UBND xã Nguyên Khê ban hành quyết định đình chỉ thi công. Nhưng tới nay công trình vẫn hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trước một số vi phạm, Sở TN&MT TP Hà Nội khẳng định Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hà Nội chưa đầu tư xây dựng theo đúng dự án đầu tư được UBND TP Hà Nội chấp thuận.
Tại thôn Khê Nữ, xã Nguyên Khê, Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Phúc Thịnh được UBND TP Hà Nội cho thuê 78.407m2 để xây dựng làm trụ sở làm việc và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã xây dựng 8 công trình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng nhưng vẫn chưa tháo dỡ và còn cho các đơn vị khác thuê lại.
Ngày 8/4/2024, UBND Huyện Đông Anh có quyết định số 2967/QĐ-UBND về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trên địa bàn huyện Đông Anh trong đó có Công ty cổ phần Công trình 6. Theo đó, vào thời điểm năm 2011, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Công trình 6 thuê 26.102m2 đất tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh để làm văn phòng làm việc, giới thiệu, trưng bày sản phẩm, kho và sân chứa bãi sạch…
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương nhiều diện tích đất tại đây đã được cho thuê để làm nhà xưởng sản xuất, kho bãi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy…
Dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất đai, làm chậm phát triển kinh tế, xã hội
Như đã phản ánh, những dự án nêu trên nếu được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận thì nhân dân địa phương sẽ được sử dụng các dịch vụ như siêu thị, câu lạc bộ thể dục, thể thao hay ít nhất là việc xây dựng đúng theo quy định sẽ giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình đang được sử dụng vào việc kinh doanh kho xưởng một cách tạm bợ…
Thực tế cho thấy, dự án chậm tiến độ khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm nham nhở bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cũng như sự phát triển bền vững của thành phố. Hậu quả thì đã rõ, nhưng câu chuyện xử lý các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, gây bức xúc trong dân vẫn đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay trên địa bàn huyện Đông Anh.
Trước tình trạng vi phạm, Sở TN&MT TP Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Đông Anh tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên khu đất tại địa bàn các xã: Uy Nỗ, Nguyên Khê, Nam Hồng. Những nội dung vượt quá thẩm quyền, Sở này cũng đề nghị cấp huyện có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT TP Hà Nội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng việc thu hồi được các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương.
Sự kiên quyết của chính quyền địa phương trong vấn đề xử lý những vi phạm trên sẽ là một tác động lớn đến tâm lý của chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải đưa ra lựa chọn thực hiện xây dựng dự án đúng theo chủ trương đầu tư được phê duyệt hoặc bị thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.
“Luật đất đai đã có những quy định về việc xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ. Đây là cơ sở để giới hạn hiệu quả đánh giá năng lực, không cho nhà đầu tư “ôm đất” kéo dài thời gian triển khai dự án sau khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cũng là điều kiện không cho các nhà đầu tư tìm cách xin gia hạn để không bị thu hồi, bắt buộc chính quyền phải quyết liệt, kiên quyết hơn trong việc thực hiện thu hồi đất”. Luật sư Cường cho biết thêm.
Theo Quyết định 04/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.