Vai trò Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò nòng cốt, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Công tác tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, hưởng ứng. Qua đó, đã tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ và nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố tổ chức MTTQ các cấp vững mạnh.
Để xây dựng thành công khối đại đoàn kết các dân tộc, huyện Ba Chẽ đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai đồng bộ các chương trình hành động hướng về cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, xã Đồn Đạc đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung để cung ứng cho thị trường.
Năm 2019, được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình chị Lý Thị Ngọc ở thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thấy nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Ngọc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi tăng đàn gà để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Lý Thị Ngọc, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Trước đây, đi làm thuê bóc vỏ keo không cải thiện được cuộc sống gia đình, nên tôi đã chuyển đổi sang mô hình nuôi gà Tiên Yên. Những năm đầu tôi nuôi 2.000 con, đến khi gà được xuất bán, trừ hết tất cả chi phí, tôi vẫn còn lãi được 200 triệu đồng. Hiện nay, tôi chuyển hẳn sang nuôi gà thịt Tiên Yên, không đi làm thuê nữa. Tới đây, tôi sẽ mở rộng diện tích lên 4.000 đến 5.000 m², nuôi khoảng 3.000 đến 4.000 con gà thịt mỗi năm.
Trên địa bàn xã Đồn Đạc ngày càng xuất hiện nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi mô hình chăn nuôi, giúp đỡ, chia sẻ và liên kết sản xuất với các hộ khác trong thôn để cùng nhau phát triển kinh tế. Năm 2016, gia đình anh Triệu Kim Vày, thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc bắt đầu nuôi 40 con dúi rừng. Sau một thời gian nuôi thấy có lãi, anh đã xây dựng thêm chuồng trại với diện tích khoảng 100 m². Anh cũng tìm mua giống dúi mới có năng suất, chất lượng thịt ngon hơn để mở rộng mô hình. Hiện nay, gia đình anh vẫn đang duy trì đàn dúi 400 con. Năm 2023, sau khi bán đàn dúi, trừ hết các khoản chi phí, gia đình anh vẫn còn khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.
Anh Vày còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dúi cho nhiều bà con trong thôn. Như gia đình anh Đặng Phúc Sồi ở thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, sau khi được anh Vày tư vấn, giúp đỡ, anh Sồi đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng nuôi rộng 100m² để nuôi dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Từ cuối năm 2023, với 60 con dúi giống ban đầu, đến nay, đàn dúi của anh Sồi đã phát triển được gần 300 con. Tuy mới nuôi nhưng gia đình anh đã có thu nhập từ việc bán dúi. “Năm ngoái tôi đã bán dúi được mấy chục triệu rồi, gia đình cũng muốn nuôi để dúi phát triển hơn, bán ra thị trường, thu được nhiều tiền hơn,” anh Sồi chia sẻ.
Bên cạnh việc vận động, tuyên truyền bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, Ủy ban MTTQ xã còn phát động phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Cách đây 2 năm, với số tiền 50 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ tỉnh, chị Đặng Thị Ba thuộc diện cận nghèo ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc quyết định vay thêm của người thân để xây dựng ngôi nhà rộng hơn 100m², thay thế cho ngôi nhà cũ tạm bợ, chật chội trước kia. Gia đình chị cũng được chính quyền địa phương, họ hàng, bà con giúp đỡ ngày công xây dựng. Ngôi nhà mới khang trang của chị được hoàn thiện đã hiện thực hóa ước mơ của cả gia đình chị Ba; từ nay không phải lo lắng mỗi khi trời mưa gió, chị cũng yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trước đây, đường vào thôn Thành Công, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ là con đường đất nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, việc đi lại của người dân cũng như giao thương phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, con đường này đã được thay thế bằng đường bê tông trải dài rộng rãi. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ủy ban MTTQ xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hiến đất; đã có hộ dân hiến hàng nghìn m² đất để mở đường. Đường sá đi lại thuận tiện, giao thương buôn bán của người dân cũng dễ dàng hơn, kinh tế của các hộ dân trong bản cũng đang dần phát triển. Những ngôi nhà xây kiên cố, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, diện mạo thôn Thành Công ngày càng thêm khởi sắc. Từ năm 2022 đến nay, thôn Thành Công không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Đàm Văn Tăng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, cho biết: Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy chính quyền, đặc biệt là khối MTTQ xã, đã tích cực vận động Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết của xã, tập trung vận động Nhân dân đoàn kết, hiến đất, hiến cây cũng như tham gia các chương trình, dự án của huyện, của tỉnh. Từ đó, bộ mặt các thôn bản trên địa bàn xã có nhiều thay đổi. Năm 2021, xã Thanh Sơn đã đạt xã nông thôn mới; hiện nay đang tiếp tục xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt trong thời gian tới, xã cũng đang tập trung vận động nhân dân hiến đất, hiến cây để thực hiện chỉnh trang khu trung tâm các thôn.
Hết năm 2022, huyện Ba Chẽ có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã Lương Mông, Minh Cầm đạt xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn Ba Chẽ đạt đô thị văn minh; huyện Ba Chẽ đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/năm. Để có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, sự giúp đỡ của các Sở, Ban, Ngành địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết một lòng, nêu cao quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Hoàng Ngọc Quyền, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian tới MTTQ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục cùng với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và MTTQ Việt Nam phát động, trong đó tập trung trọng điểm vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư," tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước đã được bổ sung mới trong năm 2024 để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, chú trọng sự tham gia tích cực của người dân.
Có thể thấy, những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ đã tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng khẳng định vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện Ba Chẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.