Quyết liệt hơn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn với từng bộ, ngành, xác định từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Theo ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) công tác xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định. Vẫn còn tình trạng chậm đưa vào xây dựng Chương trình pháp luật của Quốc hội theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số dự án luật chưa đảm bảo chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và có 7 văn bản chưa đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu cũng nêu thực tế tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.
Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.
Chất lượng cải cách thủ tục hành chính tuy có quan tâm, nhưng chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.
Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước còn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2022…
Bày tỏ thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã kiến nghị đối với Chính phủ, đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn đối với từng bộ, ngành, xác định từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, bảo đảm các hạn chế nêu trên sẽ không là cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thống nhất với nhận định, đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trên toàn quốc, cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế, hiện nay, để sử dụng được dịch vụ công trực tuyến, người dân phải đáp ứng được 3 tiêu chí đó là có thiết bị thông minh, có mạng internet và có khả năng, trình độ sử dụng.
Theo đại biểu, chỉ riêng yếu tố thứ 3 đã tạo nên rào cản sử dụng dịch vụ công trực tuyến với rất nhiều người dân, do giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến vừa khó sử dụng, lại vừa khó kết nối suôn sẻ. Được biết, còn có một số lượng lớn người dân không thể sử dụng được dịch vụ công trực tuyến mà muốn sử dụng phải có sự hỗ trợ của cán bộ, công chức nhà nước, sự hỗ trợ của người khác.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến cần được cải thiện, tăng tính thân thiện, dễ sử dụng trong giao diện và hoàn thiện chính sách để phát triển dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm người dân thuận tiện, dễ dàng trong sử dụng và không lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.
Trước đó, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên.
Chính phủ cũng đã đưa ra các gải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, trong đó tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế, chinh sách, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.