Xây dựng chiến lược kinh doanh trên các nền tảng điện tử
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển không ngừng với mạng lưới Internet trải rộng khắp toàn cầu, môi trường mạng không chỉ là cầu nối doanh nghiệp với khách hàng xuyên biên giới mà còn là nơi tạo dựng hình ảnh, định vị thương hiệu.
Bên cạnh các mô hình kinh doanh truyền thống, việc áp dụng chiến lược kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng điện tử là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của doanh nghiệp hiện nay.
Xác định đối tượng khách hàng
Mang lại tiện ích và đáp ứng từ các nhu cầu kết nối, mua sắm, di chuyển đến giáo dục, y tế, du lịch,… các nền tảng điện tử đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay. Với độ phủ sóng trên khắp các khía cạnh xã hội, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các khách hàng tiềm năng toàn cầu một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Các công cụ phân tích dữ liệu trên các nền tảng trực tuyến cũng là phương tiện hữu ích giúp doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng nhằm xây dựng và định hướng chiến lược truyền thông, tiếp thị hiệu quả.
Bên cạnh đó, khả năng tương tác trực tiếp với khách hàng thông qua các kênh trực tuyến cũng là một lợi thế trong việc xây dựng uy tín thương hiệu, tạo sự tin tưởng và mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp - khách hàng xuyên suốt quá trình tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và hậu mãi. Trong quá trình xây dựng một chiến lược kinh doanh thành công trên môi trường mạng, bên cạnh việc xác định rõ mục tiêu kinh doanh, nghiên cứu thị trường, xây dựng quy trình và đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp,… hai yếu tố dưới đây được đánh giá là quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý.
Trước tiên, cần xác định rõ chân dung khách hàng mục tiêu bắt đầu từ việc thu thập dữ liệu khách hàng bằng các công cụ phân tích dữ liệu trên hệ thống CRM, website, mạng xã hội,… hoặc các dữ liệu thứ cấp (báo cáo ngành, số liệu thống kê). Các thông tin nhân khẩu học (tuổi tác, giới tính, địa điểm, thu nhập), hành vi mua sắm (sản phẩm đã mua, tần suất mua hàng, kênh mua hàng), và phản hồi của khách hàng (đánh giá, bình luận, khiếu nại) mà doanh nghiệp thu thập được sẽ được phân tích và xác định điểm chung để xây dựng nên chân dung nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu.
Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, doanh nghiệp sẽ có những phương pháp tiếp cận riêng biệt. Xác định rõ khách hàng nhắm đến là ai và họ có những nhu cầu, mong muốn hay đặc điểm hành vi, tâm lý gì giúp doanh nghiệp lựa chọn thông điệp marketing; kênh truyền thông; ngôn ngữ, hình ảnh phù hợp trong quá trình xây dựng chiến lược để thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng với nhóm đối tượng tiềm năng. Trải nghiệm khách hàng được nâng cao hơn cũng là một ưu thế lớn cho các doanh nghiệp biết áp dụng kết quả phân tích hành vi và sở thích khách hàng vào việc xây dựng website, ứng dụng di động và các kênh bán hàng trực tuyến thân thiện, dễ sử dụng; đồng thời cung cấp dịch vụ khách hàng chu đáo trong việc giải đáp thắc mắc và hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả để nâng cao trải nghiệm mua sắm và lòng trung thành của khách hàng.
Bên cạnh đó, các khía cạnh khác như phát triển sản phẩm, giá cả đến phân bổ các kênh phân phối và dịch vụ khách hàng cũng được xây dựng để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và thị hiếu thị trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và dễ dàng tiếp cận, thu hút và giữ chân khách hàng. Với chiến lược được hoạch định rõ ràng, doanh nghiệp có thể tránh lãng phí ngân sách và thời gian khi tập trung đầu tư vào những hoạt động nhắm đúng mục tiêu là nhóm khách hàng tiềm năng, thay vì tiêu hao nguồn lực cho việc tiếp thị dàn trải không phù hợp.
Tận dụng hiệu quả công nghệ và nền tảng trí tuệ nhân tạo
Trên thị trường kinh doanh điện tử mang tính cạnh tranh cao hiện nay, tận dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến, bao gồm nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là một yếu tố then chốt trong việc gia tăng ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp với nhiều lợi ích vượt trội trong việc tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh nền tảng Số liệu E-Commerce Metric cho biết: “Những tiến bộ công nghệ AI, Machine Learning và Big Data ngày càng phổ biến và dễ ứng dụng hơn cho cả doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có sự “lột xác” từ giao diện trên trang bán hàng trực tuyến; trải nghiệm mua hàng tinh tế, chính xác và an toàn hơn cho khách hàng; đến cách vận hành bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu thay vì đánh giá cảm tính”.
Với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể dùng các phần mềm AI phổ biến như: Google Analytics, Tableau, Sisense,… trong việc phân loại khách hàng, dự đoán hành vi mua sắm, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả các chiến dịch marketing bằng AI với các phần mềm quảng cáo sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng hoặc đề xuất sản phẩm phù hợp cho các khách hàng đang có nhu cầu.
Chatbots AI tương tác tự nhiên với khách hàng 24/7 mang lại giải pháp nhanh chóng và hiệu quả trong việc giải đáp thắc mắc và hỗ trợ khách hàng. Không chỉ trả lời các câu hỏi thường gặp, các phần mềm Chatbots AI còn có thể giải quyết khiếu nại, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Bằng việc đầu tư vào AI trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh trên thương trường.
Một chiến lược truyền thông hiệu quả trên nền tảng điện tử không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và đối tượng mục tiêu mà còn cần sự sáng tạo và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện. Vượt qua những thách thức, đây sẽ là cơ hội phát triển và thành công cho các doanh nghiệp có khả năng tận dụng sức mạnh của công nghệ trên thị trường hiện nay.