Hội nghị tập huấn về tín chỉ carbon và giảm thiểu rác thải nhựa
Ngày 3/6, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tập huấn về tín chỉ carbon và giảm thiểu rác thải nhựa, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh: Từ những vấn đề đặt ra hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định tổ chức hội nghị tập huấn này với mong muốn sẽ cung cấp tới trước hết là các đồng chí cán bộ đoàn, đoàn viên và thanh niên những hiểu biết cơ bản nhất về tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon hiện nay và những trách nhiệm, hành động của thế hệ trẻ đối với việc giảm thải rác thải nhựa trong sinh hoạt.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã truyền đạt tới các đoàn viên, thanh niên chuyên đề: Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; chính sách, thị trường carbon trong nước và quốc tế; cơ hội cho nhân lực trẻ ở Việt Nam. Cùng với đó, là các nội dung cơ bản về giảm thiểu rác thải nhựa: Những quy định của pháp luật về rác thải nhựa; tổ chức Đoàn các cấp trong triển khai phong trào giảm thiểu rác thải nhựa.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức được 25.524 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho 1.112.574 số lượt thanh niên tham gia; trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã có 367 mô hình chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa, 211 mô hình cộng đồng dân cư không rác thải nhựa được tổ chức Đoàn thành lập và vận hành; 162 sân chơi được làm từ các lốp xe tái chế…
Từ những kiến thức thu nhận được sau hội nghị tập huấn, các đoàn viên, thanh niên sẽ áp dụng vào từng hành động nhỏ trong thực tiễn sinh hoạt và trong công việc để khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,27 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm dao động từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có 11-12% rác thải nhựa được tái chế, số còn lại chủ yếu chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường.