Pháp luật

Quy định "dao có tính sát thương cao" cần phù hợp với thực tế

Duy Tuấn 03/06/2024 - 13:57

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi.

Khó phân định mục đích sử dụng

Tán thành với việc sửa đổi luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định lưu ý “luật phải đảm bảo nhiều yêu cầu, trong đó có tính thống nhất và tính khả thi”.

dao2.jpeg
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Theo Điều 3 dự thảo Luật quy định: Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Thực tế cho thấy cần có biện pháp răn đe, trừng trị đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích xấu và việc can thiệp sớm là cần thiết. Tuy vậy, theo đại biểu Ba, “tờ trình lập luận chưa rõ vì căn cứ vào mục đích sử dụng để phân loại là rất khó trong thực tiễn”.

“Nếu đi theo hướng này thì phải có biện pháp thực sự khả thi, để đảm bảo lực lượng chức năng không làm oan, sai đến người chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao, bởi nguy cơ này là có” – đại biểu Ba lưu ý.

dao4.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Đảm bảo căn cứ pháp lý, phù hợp thực tiễn

Cùng quan điểm đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, việc quy định như dự thảo với dao có tính sát thương cao nhằm góp phần phòng ngừa tội phạm. Vì “thời gian qua nhiều băng nhóm sử dụng các vũ khí tự tạo, tụ tập. Có vụ báo chí phản ánh đêm khuya mang dao phóng lợn gắn vào tuýp sắt rồi kéo lê trên đường, nẹt pô xe và có thể sẵn sàng gây án, gây hoang mang dư luận”.

dao3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Theo đại biểu Thắng dự thảo quy định trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, “rất khó xác định khi nào dao là vũ khí, khi nào là dùng cho mục đích sản xuất, sinh hoạt. Có loại dao sử dụng hàng ngày nhưng khi sử dụng gây án lại mang tính sát thương cao”.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn, quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, tránh gây xáo trộn đời sống và sản xuất của người dân.

dao1.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tương tự như vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo cũng quy định việc “khai báo” dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, theo đại biểu, các xưởng sản xuất dao, mác phục vụ sản xuất đều có đăng ký kinh doanh hoặc khai báo loại hình sản xuất, “mà sao không cho vận chuyển, sản xuất”.

Đại biểu đề nghị nên “xem xét sao cho thực chất, nếu không luật ra đời ảnh hưởng đến người dân, gây khó khăn cho sinh hoạt”.

Duy Tuấn