Giáo dục

Thiếu nhi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo TP.HCM

Kim Sáng - Hồng Phong 02/06/2024 - 06:30

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), lãnh đạo TP.HCM đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em thiếu nhi.

Chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi" năm 2024 do Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức đúng vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, có sự tham gia của 150 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu thiếu nhi trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch HHĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi" là hoạt động cụ thể nhằm góp phần thực hiện Luật trẻ em 2016, qua đó tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

z5497928043101_9683887e8637a0db4ea3479506890b16.jpg
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại chương trình làm việc.

Theo bà Lệ, đây là dịp để lãnh đạo TPHCM lắng nghe những suy nghĩ, nguyện vọng, đề xuất của thiếu nhi... từ đó lãnh đạo thành phố có những chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm chăm lo cho thiếu nhi nhiều hơn, tốt hơn.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố có thể gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng đối với các thiếu nhi trong thời gian tới, góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bà Lệ nhìn nhận, nhiều năm qua, từ những ý kiến xuất phát từ thiếu nhi, thực tế đã có nhiều đề xuất, ý tưởng được hiện thực hóa, nhiều vấn đề nhỏ nhưng được kịp thời khắc phục, tạo điều kiện, môi trường để thiếu nhi được học tập, vui chơi, sống hạnh phúc hơn.

z5497928087278_ec08a64425bc23c3689d7b694cbf2211.jpg
Thiếu nhi đề xuất ý kiến với lãnh đạo thành phố.

Chương trình được chia thành hai phần. Phần một được thực hiện theo hình thức giả định một kỳ họp HĐND Thành phố, với 150 đại biểu thiếu nhi tham gia đóng vai trò là đại biểu HĐND Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Tại đây, các em thiếu nhi đã tham gia trao đổi, đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội thành phố cùng những vấn đề mà các em quan tâm.

Trong phần hai, các đại biểu thiếu nhi được đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo thành phố và các sở, ngành để bày tỏ ý kiến về nhiều lĩnh vực như giáo dục, lịch sử - văn hóa, y tế, môi trường, khoa học sáng tạo và rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu.

z5497928087304_626dd561fac437aea6f5e995562a47ad.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các em thiếu nhi.

Tại chương trình, thiếu nhi thành phố mang tên Bác đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh các chủ đề như mạng xã hội, chương trình giáo dục phổ thông 2018, bạo lực học đường...

Liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, em Phạm Gia Hân (quận 6) đề xuất cần tổ chức thêm những hoạt động tuyên truyền và sinh hoạt dưới cờ hay các chương trình giao lưu, chia sẻ giữa chuyên gia về lĩnh vực mạng với phụ huynh và học sinh về thực trạng cũng như cách phòng tránh tác hại của mạng xã hội.

z5497928087213_1ee972800045f16e97b98e5ff651fcc2.jpg
Thiếu nhi thành phố mang tên Bác bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo thành phố.

Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình mới), nhiều em thiếu nhi cho rằng chương trình này áp lực.

"Trước đây khi học chương trình cũ, chúng em được về nhà nghỉ ngơi rất thoải mái nhưng kể từ khi chuyển sang học chương trình mới, khung giờ đó lại trở thành giờ giải lao để tiếp tục cho các giờ học tiếp theo. Em hy vọng sẽ giảm tải chương trình để chúng em không còn phải đi học thêm nữa”, em Hồ Nguyễn Bảo Ngọc (quận 7) nêu ý kiến.

z5497928087258_bb3708d9689473cc82a965dcdcb9714f.jpg
Chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi" được tổ chức định kỳ hàng năm.

Lắng nghe ý kiến từ thiếu nhi thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi lời khen đến các em thiếu nhi với những phát biểu thẳng thắn cũng như các đề xuất cho thành phố về giải pháp khắc phục.

Ông Mãi đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) cùng Hội đồng Đội thành phố và các sở, ngành liên quan cùng họp lại để xác định các vấn đề có thể giải quyết từ đây đến 1/6 năm sau.

Trong đó, ông lưu ý Sở GD & ĐT cần tập trung thực hiện 3 yếu tố về “xây dựng trường lớp xanh, sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ - an toàn học đường, giảm bạo lực học đường - an toàn giao thông” trong xây dựng trường học hạnh phúc.

Theo ông, các đơn vị cần chuyển hóa kết quả làm việc hôm nay thành những hành động cụ thể.

"Cùng với việc góp ý với thành phố, nhà trường, thầy cô, bản thân các em cũng tham gia đóng góp vào các công việc như giữ vệ sinh môi trường, an toàn giao thông... Tôi rất cảm ơn và tin tưởng các em", Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ.

Kim Sáng - Hồng Phong