Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu
Bất động sản công nghiệp liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trên thị trường nhờ các chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, các chính sách ưu đãi thuế, vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Những năm gần đây, bất động sản (BĐS) công nghiệp nổi lên, liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường BĐS Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900 ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89.200 ha, bao gồm 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây. Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
Do nhu cầu ở mức cao và đang trong xu hướng tăng, đã đẩy giá thuê đất khu công nghiệp tại các địa phương lên cao, với mức tăng ổn định từ 8 - 12%/năm. Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất; thương mại điện tử, máy móc, linh kiện điện tử.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), để duy trì được vị thế này là do Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi thuế. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics, khi Chính phủ đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp hạ tầng giao thông như hệ thống cảng biển, sân bay, và mạng lưới đường bộ, giúp kết nối tốt hơn giữa các khu công nghiệp và các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam bùng nổ.
Đặc biệt là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu EVFTA, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
VARS đánh giá, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.