Kinh tế

Năm 2022, nợ công giảm và thấp hơn ngưỡng cảnh báo của Quốc hội

Duy Tuấn 30/05/2024 - 17:10

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 30/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Thu, chi NSNN được quản lý chặt chẽ

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán NSNN năm 2023; nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022 được quyết định như sau: Tổng số thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng.

nstc.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

Thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ NSNN, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

phocns1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.

Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng; Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng;…

Kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân NSNN hơn 21 nghìn tỉ đồng

Báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2022 tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng.

ngovantuan.jpeg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 cho thấy, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), đến 31/12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ 91,69%; kiến nghị khác đạt tỷ lệ 82,72%.

Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, đã có 68/183 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.

Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rà soát và chịu trách nhiệm về việc chuyển nguồn đối với các dự án viện trợ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tuân thủ theo quy định Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Rà soát để thu hồi, nộp NSNN đối với nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 hết thời hạn giải ngân theo quy định.

Chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó: Kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi NSNN của KTNN đối với niên độ ngân sách 2022; sửa đổi hoàn thiện cơ chế chính sách của 198 văn bản, gồm: 01 luật, 08 nghị định, 05 quyết định, 27 thông tư và 157 văn bản khác.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của KTNN.

Duy Tuấn