Gần 3000 cây đổ, cành gãy sau bão số 1: Nguyên nhân bất khả kháng!?
Đời sống - Ngày đăng : 18:15, 02/08/2016
Chiều 2/8, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 1.
Số liệu cây đổ không đồng nhất
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, cơn bão số 1 đổ bộ vào Hà Nội vào khoảng đêm 27 rạng sáng 28/7 gây ra gió giật rất mạnh và mưa lớn trên địa bàn toàn thành phố.
Gần 300 cây đổ, cành gãy sau bão số 1
Hệ thống cây xanh đường phố bị ảnh hưởng tương đối nặng, tập trung vào các quận Hoàng Mai, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy…Qua thống kê, số lượng cây gãy đổ, nghiêng trên địa bàn 12 quận nội thành là khoảng 2.965 cây, trong đó có 39 cây xà cừ đường kính lớn bị đổ gãy ngang đường, cản trở giao thông, một số cây đổ nghiêng đè vào nhà dân, hoặc đè lên các đường dây, cáp điện làm bật vỉa hè và các ống cáp ngầm dẫn đến mất điện sinh hoạt.
Về hệ thống chiếu sáng, có tổng số 39 cột điện cong, nghiêng, gãy đổ làm hư hỏng 324 bộ đèn.
Đáng chú ý, con số cây đổ do ảnh hưởng của bão số 1 mà Sở Xây dựng công bố tại Hội nghị lại không đồng nhất với số liệu của Ban chỉ huy PCTT thành phố và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, tính đến hết ngày 29/7 có trên 1.400 trường hợp cây đổ và nhiều cành gãy. Còn theo số liệu của Ban chỉ huy PCTT thành phố, tổng số cây bóng mát, cây xanh bị đổ gãy sau ảnh hưởng của bão số 1 là 30.640 cây.
Giải thích về sự “vênh” về số lượng cây đổ, ông Phong cho rằng con số Sở đưa ra là thống kê trên địa bàn 12 quận nội thành, số liệu Công ty Công viên cây xanh là thống kê trên địa bàn của Công ty Công viên cây xanh quản lý, còn số liệu của Ban chỉ huy PCTT thành phố là tập hợp dựa trên báo cáo tổng thể của các Sở, ngành và đơn vị liên quan.
Nguyên nhân bất khả kháng
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty đã thực hiện giải tỏa trên 600 trường hợp cây đổ và gần 700 trường hợp cành gãy sau diễn biến của bão số 1.
Theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, nguyên nhân cây đổ có nhiều nguyên nhân khách quan như cường độ gió giật quá mạnh cấp 10 - 11 trong gần 4 giờ kèm theo mưa lớn. Mật độ các nhà cao tầng lớn của Hà Nội là một trong những nguyên nhân bất khả kháng đối với hệ thống cây xanh Hà Nội đã trải qua nhiều năm không được quan tâm thích đáng.
Ngoài ra, quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, hệ thống điện, thoát nước trong những năm trước đây đã xâm hại hệ thống rễ của cây xanh đường phố. Các rễ phát triển ngang của cây thường bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho cây dễ bị đổ khi có tác động của các đợt gió và lốc xoáy.
Bên cạnh đó, mực nước ngầm của Hà Nội cao, ô nhiễm nước ngầm ngày càng tăng làm cho hệ thống rễ cây khó phát triển theo chiều sâu, các rễ cây phát triển ngang, mà các rễ này hay bị cắt đứt do cải tạo vỉa hè cũng là nguyên nhân làm cây đổ.
Mặt khác, Hà Nội có nhiều nhà cao tầng nên không gian sống của cây xanh đường phố bị thu hẹp, cây thường có xu hướng nghiêng ra phía mặt đường để lấy ánh sáng. Đây là yếu tố gây lên các hiện tượng cây bị nghiêng làm mất cân bằng giữa tán cây và hệ thống rễ cây, làm cây gãy đổ khi có mưa bão.
Kỹ thuật trồng cây đúng quy trình
Trước hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, trong đó có một số cây phát hiện còn nguyên bầu, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về kỹ thuật trồng cây có đảm báo đúng quy định? Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với các đơn vị do Sở Xây dựng thực hiện đều theo đúng quy trình. “Theo quy trình, bầu chỉ cách mặt đất khoảng 5cm để đảm bảo cho cây hấp thụ chất dinh dưỡng được tốt nhất chứ không phải là trồng nông không đúng kỹ thuật”, ông Phong cho biết
Ông Phong nói thêm, để đảm bảo thống nhất quy trình trồng cây bóng mát, Sở Xây dựng đã xây dựng quy trình, xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, học viện lâm nghiệp, trong thời gian tới sẽ ban hành. Theo đó, quy trình này gồm 7 bước, trong đó có việc tháo bầu với loại không tự tiêu.
Liên quan đến cây trồng gãy đổ, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, đơn vị chủ lực của Thành phố trong vấn đề trồng, chăm sóc cây xanh đô thị khẳng định, việc trồng cây của công ty và những đơn vị khác đều thực hiện theo đúng quy trình, sau đó chuyển giao cho đơn vị duy trì trong 5 năm, nếu đổ gẫy thì đơn vị tự chịu kinh phí, nhà nước không chịu kinh phí.
Ông Hưng cũng khẳng định, những cây bị bật gốc vừa qua, mới nhất cũng là những cây đã trồng cách đây khoảng 2 năm, còn những cây mới trồng trong thời gian gần đây thì không cây nào đổ.