Vụ ông bố đập sữa trong siêu thị: Nhiều quan điểm phản biện góc nhìn của luật sư Trương Anh Tú

Đời sống - Ngày đăng : 09:50, 28/07/2016

Sau khi Báo Công lý đăng tải bài viết góc nhìn pháp lý của một luật sư xoay quanh câu chuyện ông bố bị bắt vì đập sữa trong siêu thị, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trong giới luật gia và cư dân mạng.

Để rộng đường dư luận, Báo Công lý tiếp tục đăng tải những phản hồi trái chiều, những góc nhìn khác về vụ việc trên.

Nhằm giúp bạn đọc dễ hình dung câu chuyện, xin được nêu vắn tắt sự việc như sau: Khoảng 17h ngày 14/7, Nguyễn Cảnh Cường (SN 1988, ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh) cùng Nguyễn Văn Hùng (SN 1967, ở xã Nghi Phú, TP Vinh) đến siêu thị Tú Bắc (số 77 đường Đinh Công Tráng, TP Vinh, Nghệ An) chửi bới và tát vào mặt chủ cửa hàng. Sau đó, Cường tiếp tục vào bên trong siêu thị lấy tổng cộng 7 hộp sữa ra ngoài ném xuống vỉa hè, lòng đường ngay trước cửa hàng. Hành vi của Cường bị camera ghi lại.

Bản thân Cường cho rằng sữa mua ở siêu thị không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc con anh ta uống vào bị tiêu chảy và phải nhập viện điều trị. Sau nhiều lần làm việc với siêu thị và hãng sữa nhưng chưa tìm được “tiếng nói chung” nên đã có những hành động trên.

Đến ngày 21/7, Công an TP Vinh đã bắt giữ Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng về hành vi hủy hoại tài sản. Khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Hùng (người đi cùng Cường - PV), Công an thu giữ 0,025 gam heroin, một bộ quân phục Cảnh sát kèm quân hàm Trung tá.

Vụ ông bố đập sữa trong siêu thị: Nhiều quan điểm phản biện góc nhìn của luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Liên quan đến vụ án trên, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) đã cung cấp cho Báo Công lý một góc nhìn pháp lý với mong muốn các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An xem xét một cách nghiêm túc, nhằm đảm bảo sự công bằng cũng như nguyện vọng chính đáng của công dân.

Trong bài viết, Luật sư Tú đưa ra hai quan điểm:

Thứ nhất, hành vi của anh Nguyễn Cảnh Cường chưa cấu thành tội phạm. Lập luận cho quan điểm này, Luật sư Tú phân tích, trong 7 hộp sữa bị đập thì chỉ có 5 hộp sữa bị vỡ, 2 hộp không vỡ nên Cơ quan điều tra tính vào 7 hộp sữa là chưa hợp lý. Về giá trị của số sữa bị đập theo luật sư Tú cũng cần phải xác định lại.

Thứ hai, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, anh Cường bức xúc vì uống sữa trên khiến con anh bị tiêu chảy thì phải xem xét về chất lượng sữa của siêu thị này. Nếu sữa giả thì giá trị của nó bằng không. Và hành động đập sữa của anh Cường là để ngăn chặn hậu quả đối với trẻ em khác.

Trước những quan điểm, phản biện của Luật sư Trương Anh Tú, đã có nhiều ý kiến tranh luận trong giới luật gia và cư dân mạng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Hà Nội cho rằng “Căn cứ khởi tố vụ án hình sự là hành vi có dấu hiệu tội phạm.Vì vậy, nếu người nào cố ý hủy hoại (đập, phá, đốt...) tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì vụ việc có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Nếu siêu thị tố giác hành vi hủy hoại tài sản của Cường và Hùng là có cơ sở và tài sản thiệt hại 7 hộp sữa trẻ em nhãn hiệu Glico Icreo loại 800 gram thì Cơ quan điều tra có quyền tiến hành tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 103 BLTTHS và hướng dẫn tại Thông tư 06/2013/TTLT.

Trong quá trình xác minh tin báo, tố giác tội phạm thì Cơ quan điều tra có quyền tạm giữ hình sự hai đối tượng Cường và Hùng để tiến hành xác minh, điều tra về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không có đơn yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu thì vụ việc vẫn bị xử lý hình sự (nếu trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở lên)”.

Còn theo quan điểm của Luật sư Chu Mạnh Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Trong trường hợp xác định được giá trị tài sản (7 hộp sữa) mà các đối tượng đập phá thuộc sở hữu hợp pháp của chủ siêu thị và trị giá tài sản đó từ 2 triệu đồng trở lên thì việc cơ quan pháp luật bắt, tạm giữ hình sự đối với các đối tượng là có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, việc bắt, tạm giữ các đối tượng chưa đồng nghĩa với việc các đối tượng đã phạm tội Hủy hoại tài sản. Để kết luận các đối tượng có phạm tội hay không cần phải xác minh chính xác các hộp sữa anh Cường đã mua sử dụng, và các hộp sữa anh Cường đã hủy hoại có phải 'hàng thật, hàng đủ tiêu chuẩn' hay không?".

Bình luận trên facebook cá nhân, Luật sư Lê Văn Hồi (Hà Nội) viết: 

“1. Khẳng định hùng hồn việc tiêu chảy của bé con anh Cường là do sữa mà chỉ dựa vào lời của anh Cường, không rõ Luật sư Tú có phải chăm bé như tôi không chứ nguyên nhân dẫn đến bé bị tiêu chảy thì có cả tỉ nguyên nhân. Chưa có kết luận gì Luật sư Tú đã khẳng định siêu thị phải có trách nhiệm với người tiêu dùng rồi.

2. Đập 7 hộp, 5 hộp không vỡ nên chỉ tính thiệt hại cho 5 hộp. Đoạn này cũng hài, có hai ý trong này: Mục đích của anh Cường là đập 7 hộp, may thay 2 hộp không vỡ; 2 hộp không vỡ cũng bị móp méo cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, đương nhiên là ảnh hưởng đến giá trị. Thế giờ tôi lấy súng bắn vào đầu anh nhưng tôi bắn trượt  chả nhẽ tôi vô tội giết người?

3. Xác định giá trị hộp sữa là giá đầu vào? Anh nói theo luật mà không trích luật, chắc anh giấu nghề. Giấu đến mức Luật quy định là giá trị thị trường chứ không phải giá đầu vào…”

Luật sư Nguyễn Đắc Thực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bình luận: “Chưa xác định được giá thì sao gọi là vô tội. Có hành vi hủy hoại tài sản, nhưng có đủ yếu tố cấu thành hay không thì phải căn cứ vào giá trị tài sản. Luật sư (Luật sư Trương anh Tú - PV) chỉ đưa ra giả thiết chứ chưa đưa ra được căn cứ xác định chính xác giá của tài sản bị hủy hoại, do đó chưa đủ căn cứ xác định vô tội”.

Bên cạnh ý kiến của các luật sư, nhiều bạn đọc cũng đưa ra ý kiến cá nhân. Bạn đọc Đàm Bích Thủy bình luận: “Hãy khoan nói về giá trị thiệt hại, mà hãy nhìn vào thái độ, hành vi côn đồ của anh em nhà này. Thiết nghĩ nếu hàng hóa chất lượng kém thì cũng có nhiều cách để giải quyết, chứ không phải ứng xử kiểu xã hội”.

Bạn đọc Vũ Ngọc Ánh thắc mắc “2 hộp sữa còn lại chưa bị vỡ nhưng không đồng nghĩa còn giá trị và không bị đem vào tính tài sản bị hư hỏng, vì giá trị hộp sữa bao gồm cả phần ruột + phần vỏ. Do đó nếu hộp sữa chưa vỡ nhưng vỏ móp méo thì vẫn có thể bị xem là tài sản hư hỏng (vì hộp sữa đó không thể bán hoặc có bán được thì giảm giá trị)”.

Trước những ý kiến phản hồi trong đó có cả tích cực và tiêu cực, Luật sư Trương Anh Tú cho biết vẫn giữ quan điểm của mình.

“Tôi là một người dân chủ, tôi lắng nghe mọi ý kiến phản hồi (trừ nói tục chửi bậy). Nhưng phải nói thật cho đến giờ này chưa có một quan điểm phản biện nào mang tính tích cực và khoa học. Nếu phản hồi thiếu văn hóa thì chẳng có gì để bình luận. Bình luận là cái người ta đưa ra các lập luận quan điểm khoa học, cơ sở pháp lý để phản bác thì mới đáng nhìn nhận và đánh giá và có thể có ý kiến phản hồi”, Luật sư Tú chia sẻ.

Đỗ Việt