Một cựu chiến binh giàu lòng nhân ái
Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 27/07/2016
“Tấm lòng vàng” phố Chũ
Với chiếc áo có in biểu tượng Chữ thập đỏ cùng cuốn sổ “Tấm lòng vàng” - thường được gọi là Sổ lưu nghĩa tình, ông Thái Văn Thành , một cựu chiến binh ở phố Chũ được nhân dân ví như một con thoi kết nối mọi người trong cộng đồng để cùng chung sức làm từ thiện, mang lại cuộc sống có ý nghĩa hơn cho những mảnh đời bất hạnh. Ông khiến cho nhiều người hiểu được rằng, chỉ cần có tấm lòng thì vẫn có thể làm được điều thiện, dẫu cuộc sống của chính gia đình mình không hề dư dả.
Quả thật, từ nhiều năm nay, gia đình ông Thành chưa bao giờ thôi khốn khó. Khốn khó không phải vì ông lười nhác với đồng sâu ruộng trũng, mà vì vợ con ông đều không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Ông Thành có hai người con thì cả hai đều bị viêm màng não, còn vợ ông đãng trí nhiều năm, nhớ nhớ quên quên. Hàng tháng, cả gia đình sống dựa vào khoản tiền lương hưu cựu chiến binh của ông, lay lắt, lần hồi.
Chính điều kiện sống không lấy gì làm khá giả của ông, càng khiến người ta tò mò muốn tìm biết nguyên nhân sâu xa do đâu mà người cựu chiến binh này lại dốc toàn bộ tâm sức của mình vào công việc làm từ thiện. Khi đáng lý ra, ở tuổi của ông, người ta đã sống an nhàn, thơi thoáng, vui vầy bên con cháu.
Người cựu binh già trên đường đi vận động từ thiện
Với giọng nói còn nằng nặng thổ âm Nam Trung bộ, ông Thành chầm chậm kể về cuộc đời đầy khuất khúc của mình. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Quảng Nam. Lớn lên, ông nhập ngũ và vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ. Hòa bình lập lại, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc và được điều động về làm việc tại Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần. Rồi từ đó, ông sống và làm việc tại huyện Lục Ngạn cho đến bây giờ.
Ông Thành bảo: “Những người như tôi, bước ra khỏi chiến tranh là đã lãi cả cuộc đời. Còn biết bao đồng đội, vì độc lập, vì tự do cho mảnh đất này, đã hiến dâng cả máu thịt mình. Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời, cho cộng đồng xã hội. Việc tôi làm từ thiện cũng xuất phát từ tâm nguyện ấy, chứ tôi cũng chả có tham vọng gì to tát. Và cũng một phần là do “đồng bệnh tương lân” - nghĩa là bản thân mình nghèo khổ quá, gặp nhiều bất hạnh quá mà càng thấy cảm thương những người đồng cảnh, càng thấy lòng mình thôi thúc phải làm được đôi điều nhằm giúp người qua cơn bĩ cực”.
Từ năm 1973, người dân Lục Ngạn đã biết đến ông Thành với “vườn thuốc Nam nhân đạo” chuyên dùng để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Những cây thuốc Nam thường thấy trong vườn nhà ông như đinh lăng, kim tiền thảo, bạch truật, hương nhu, bình vôi, ích mẫu… dưới đôi tay chăm sóc và tấm lòng của người cựu chiến binh nghèo này đã trở thành những bài thuốc quý cứu giúp sinh mạng của nhiều người bệnh trong vùng.
Bà Thức, một người hàng xóm gần nhà ông Thành còn nhớ rằng, những năm ấy, người dân Chũ còn nghèo lắm, kế sinh nhai ngoài làm nông nghiệp và nghề làm bánh đa Chũ cổ truyền, thì hầu hết đều phải tha hương đi làm thuê hoặc làm nghề hàng xáo để mưu sinh. Vậy mà khi ấy, ông Thành đã biết trồng cây làm kinh tế, thường xuyên cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật chăm bón, trồng cây sao cho đạt hiệu quả cao cho các hộ nghèo trong huyện.
Thắp lên ngọn lửa nghĩa tình
Cách kiếm tiền để làm từ thiện của người cựu binh già này cũng có thật nhiều điều lý thú, mà theo cách nói của ông là “gây dựng kinh phí làm từ thiện bằng nhiều nguồn, nhiều ngả”. Trước đây, khi chưa vận động được nhiều người ủng hộ việc làm của mình thì hàng tháng ông trích một phần từ khoản lương hưu ít ỏi để gửi đến những đối tượng cần giúp đỡ.
Sau nữa, ông bỏ công sửa thế, uốn cành cho cây cảnh rồi chở đi bán kiếm chút tiền lời. Thậm chí có lần đi cắt tóc, người thợ cạo không lấy tiền công, ông cũng tự bỏ mười ngàn vào chiếc cặp dùng để đựng tiền ủng hộ và cẩn thận ghi tên người thợ cạo ấy vào sổ tấm lòng vàng.
Hoặc giả có dịp phải đi họp ở đâu đó mà được cấp phát chi phí đi đường hoặc được bạn bè tài trợ vé máy bay, vé tàu hạng sang, ông đều lựa chọn loại phương tiện rẻ hơn để đi nhằm tiết kiệm thêm đồng nào hay đồng ấy để làm từ thiện.
Ông Thái Văn Thành và quyển sổ nghĩa tình
Những người thường xuyên ủng hộ quỹ của ông Thành cũng có đủ thành phần. Ngoài các cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn, ngoài bà con làm ăn sinh sống ở địa phương thì còn có cả những người bán vé số dạo, những thương lái từ nơi xa về cất hàng ở thị trấn Chũ cũng tìm đến ông xin được đóng góp để thể hiện tấm lòng thiện nguyện. Những lúc ấy, ông vui lắm, vui không phải vì mình được nhiều người biết đến mà vui bởi như thấy rằng việc làm của mình có thêm nhiều người tiếp sức.
Khi sức khỏe giảm sút, năm 2002, ông Thành mạnh dạn đề xuất với Hội chữ thập đỏ của huyện xin được lập sổ “Tấm lòng vàng” để tự mình đi vận động quyên góp. Những ngày đầu, không ít người hiểu nhầm rằng ông làm vậy là có ý đồ tư túi cá nhân, nhưng rồi ngày qua ngày, ông vẫn vượt qua những lời đồn thổi ấy để đến gõ cửa từng nhà, cẩn thận ghi chép tên tuổi, số tiền ủng hộ của từng người vào cuốn sổ lúc nào cũng kè kè ở bên như hình với bóng.
Hàng tháng hoặc hàng quý, ông thống kê số tiền nhận được rồi mang đến Hội chữ thập đỏ thị trấn Chũ để bàn giao lại cho cán bộ Hội chuyển đến các địa chỉ cần thiết. Cuốn sổ “lưu nghĩa tình” của ông mỗi ngày một dày thêm. Điều đó cũng đồng nghĩa với những vất vả mưa nắng mà ông phải trải qua để có được những đồng tiền nhân ái ấy không hề ít. Và từ đó, đã và sẽ có nhiều thêm những người nghèo khó, bất hạnh nhận được sự giúp đỡ từ hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng hảo tâm được ghi dấu trong cuốn sổ “Tấm lòng vàng”.
Mong chữ Thiện ngày càng lan tỏa
Đằng đẵng suốt bao năm như vậy, việc làm nghĩa tình của ông Thành đã khiến nhiều người từ chỗ cảm phục đã chuyển dần sang tự nguyện cùng ông gánh vác, chia sẻ một phần công việc. Người ta bảo, lòng tốt của ông Thành là thứ tử tế không điều kiện, tốt thường trực.
Thế nên giờ đây, mỗi khi nhìn thấy cái dáng khòng khòng quen thuộc của ông xuất hiện ở mỗi tổ dân phố, khu dân cư là các gia đình ở địa phương đều mở cửa mời ông dừng chân vào nhà uống chén nước, và nhờ ông chuyển chút tấm lòng của họ đến với những cảnh đời bất hạnh. Sự tận tụy của ông khiến nhiều người tin tưởng. Sự chân thành, không nề hà tiền ủng hộ là ít hay nhiều giúp bà con đỡ ái ngại hơn, cởi lòng hơn.
Mỗi khi có thông tin ở đâu đó có bão lũ hay có nhiều người đang trong cơn hoạn nạn, bà con ở Chũ lại bảo nhau tìm đến ông Thành để gửi gắm khoản tiền ủng hộ của mình. Dẫu là vài nghìn đồng hay vài triệu đồng, ông Thành đều nhận với sự trân trọng cùng lời cảm ơn và cẩn thận ghi vào sổ. Ở tuổi 80, ông vẫn luôn được đánh giá là một hội viên xuất sắc của Hội chữ thập đỏ huyện Lục Ngạn, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương.
Chỉ tay vào chiếc hòm gỗ có dán biểu tượng chữ thập đỏ được để trang trọng ngay giữa nhà, ông Thành không giấu được vẻ tự hào: “Chiếc hòm này do chính tay tôi làm. Nhờ có sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành nên hiện ở huyện tôi có tất cả hơn mười cái được đặt ở các cơ quan đơn vị hành chính và những khu trung tâm có nhiều người qua lại. Riêng ở nhà tôi cũng đặt một cái để khách đến chơi nếu phát tâm cũng có thể bỏ tiền vào đó. Chỉ tiếc là tôi tuổi đã cao, những tháng ngày làm từ thiện cũng chẳng còn được bao lâu nữa!”.
Tạm biệt người cựu chiến binh có tấm lòng vàng, chúng tôi tâm đắc mãi với một quan niệm nhân sinh giản dị của ông: “Ai cũng có thể làm việc thiện, miễn là họ có tấm lòng. Nếu giàu có, khá giả thì góp được nhiều, nếu còn khó khăn thì “tích tiểu thành đại” cũng sẽ giúp được người. Điều cốt lõi là phải làm sao để cho chữ Thiện kia ngày càng lan tỏa!”.