Sản xuất công nghiệp ở TP.HCM tăng cao nhất 3 năm
Theo Cục Thống kê TP HCM, 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp đang phục hồi, với chỉ số đo lường sức khỏe ngành tăng mạnh nhất ba năm.
Riêng tháng 5, Cục Thống kê TP HCM cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 1,1% so với tháng 4 và tăng 6,2% so với cùng kỳ 2023.
Tính chung 5 tháng, IIP tăng 5,3%, là mức tăng cao nhất 3 năm qua, "cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi". Giai đoạn 5 tháng đầu 2022 và 2023, IIP tăng lần lượt 3,7% và 1,4%.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố, hóa dược, chế biến lương thực thực phẩm và cơ khí đều có IIP tăng trưởng, chỉ điện tử suy giảm.
Công nghiệp chế biến - chế tạo nói chung tăng 4,9% trong 5 tháng, với một số sản phẩm tăng mạnh như bao bì; sổ sách, vở; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa.
Sản xuất tại TP HCM phục hồi trong bối cảnh tiêu thụ trong và ngoài nước cải thiện thời gian qua, niềm tin kinh doanh tích cực hơn.
Với sức mua trong nước, Cục Thống kê TP HCM cho hay doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng, hàng hóa dồi dào, đa dạng. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước trên 219.300 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng trưởng cao thời gian qua như đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình; gỗ và vật liệu xây dựng; đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
Sức cầu của khách hàng nước ngoài cũng nhích lên. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua của TP HCM đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Cùng giai đoạn, nhập khẩu đạt 22,8 tỷ USD, tăng 6,3%, là chỉ báo cho thấy sản xuất khả năng tốt dần lên khi nhu cầu mua nguyên liệu đầu vào nhích lên.
Cùng với đó, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung đang củng cố, theo báo cáo thường niên của Hiệp hội kế toán CPA Australia - một trong những hiệp hội nghề nghiệp kế toán lớn nhất trên thế giới hiện nay - mới công bố.
Cụ thể, 86% doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức này khảo sát dự báo tăng trưởng, cải thiện so với 2 năm trước. Có 44% doanh nghiệp nhỏ dự kiến ra mắt sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới tại thị trường nội địa hoặc quốc tế năm nay.
"Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam tự tin vào nền kinh tế quốc nội hiện cao nhất giữa các thị trường được khảo sát với đến 9 trên 10 doanh nghiệp đặt kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay", ông Nam Nguyễn, Chủ tịch Ban Tư vấn chiến lược khu vực phía Nam Việt Nam của CPA Australia nhận định.
Sản xuất và dịch vụ tiếp tục cải thiện nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại TP HCM còn chậm. Từ đầu năm đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương đạt gần 950 triệu USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 tháng tăng về lượng, giảm nhẹ về quy mô vốn.
Đầu tư công tiếp tục tăng tốc. Sau khi tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, giải ngân đầu tư công đến hết tháng 5 ước gần 10.900 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch năm và tăng 18% so với cùng kỳ.