Tiêu điểm

ĐBQH đề nghị bổ sung thêm Tòa án chuyên biệt về đất đai và người chưa thành niên

Duy Tuấn 29/05/2024 - 05:53

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị nghiên cứu và bổ sung thêm Tòa án sơ thẩm chuyên biệt về đất đai, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt dành cho người chưa thành niên. Đồng thời, cần thiết phải làm rõ cách thức tham gia lựa chọn hội thẩm nhân dân đối với chế định này…

Nội dung đáng chú ý này được đưa ra khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 28/5.

Ngày càng có nhiều vụ án rất phức tạp, chưa có tiền lệ

Tán thành với quy định thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, từ Tòa án nhân dân cấp huyện có chức năng xét xử sơ thẩm rất nhiều vụ án trên tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính..., dẫn đến áp lực xét xử rất lớn cho các thẩm phán, làm cho chất lượng xét xử không được đảm bảo.

duongvanphuoc.jpeg
Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đặc biệt, hiện nay ngày càng có nhiều vụ án, vụ việc rất phức tạp, chưa có tiền lệ và đòi hỏi phải có chuyên môn cao.

“Do vậy, việc đổi mới Tòa án nhân dân theo hướng khẩn trương thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại Mục 5 Chương IV để làm giảm tải áp lực cho Tòa án cấp huyện là rất cần thiết”- đại biểu Phước nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng số lượng loại vụ án để thành lập cho phù hợp.

tcd.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

“Ngoài ra, cần nghiên cứu và bổ sung thêm loại hình Tòa án sơ thẩm chuyên biệt về đất đai, vì hiện nay rất nhiều phức tạp diễn ra xung quanh việc giải quyết về đất đai và Tòa án sơ thẩm chuyên biệt dành cho người chưa thành niên. Đồng thời, cần thiết phải làm rõ cách thức tham gia lựa chọn hội thẩm nhân dân đối với chế định này” - đại biểu Phước đề xuất.

Định lượng toà chuyên biệt

Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, quy định thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại Mục 5, Chương IV “mới quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập”.

vuthilienhuong.jpeg
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

“Tôi đề nghị quy định rõ số lượng Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong luật có bao nhiêu, có không quá bao nhiêu Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, về sở hữu trí tuệ, về phá sản. Đề xuất trước mắt là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, Tòa án phá sản, mỗi loại là một Tòa án và không quá 3 Tòa án hành chính, trong đó phạm vi, thẩm quyền xét xử theo khu vực, lãnh thổ và sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp, đảm bảo thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế theo chủ trương chung với tổng số biên chế là không thay đổi.

Đồng thời, rà soát lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt với Tòa án nhân dân các cấp để tránh sự chồng chéo giữa các Tòa án”- đại biểu Hương đề xuất.

nguyenthile.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp Tòa án hiện có và các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, dự kiến thành lập để rõ ràng, tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn.

“Ví dụ, như theo điểm a, khoản 1, Điều 62 quy định chức năng, nhiệm vụ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, hành chính, xét xử. Tuy nhiên, theo Điều 55 và 56, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm và có tòa chuyên trách là tòa hành chính. Do đó, trong nội dung quy định chức năng, nhiệm vụ giữa các tòa chuyên trách của Tòa án nhân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân chuyên biệt cần rõ ràng hơn, có điều khoản loại trừ để tránh sự chồng chéo”- đại biểu Lệ phân tích.

Duy Tuấn