Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam
“Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam" đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích để các cơ quan có liên quan tham khảo, vận dụng để xây dựng chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam”.
Đồng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Ryan McKean, Giám đốc cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế tại Hà Nội; ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan, đơn vị của Ban Nội chính Trung ương và đại diện Ban Nội chính một số tỉnh thành; đại diện Thanh Tra Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC; Tổng Cục Thi hành án dân sự; Đại diện Trường Đại học Luật, Đại học Kiểm sát; Chuyên gia trong lĩnh vực Tư pháp, Luật sư,…
Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi công ước Phòng, chống tham nhũng của LHQ tại Việt Nam do UNDP tại Việt Nam và Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đạt nhiều kết quả quan trọng, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, có những vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt thất thoát do các đối tượng gây ra.
Tuy nhiên, trong PCTN việc thu hồi tài sản luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp, bởi số tiền tham nhũng thường bị thất thoát và bị chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan Việt Nam và nước ngoài còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Công ước phòng chống tham nhũng (UNCAC) đã dành riêng một chương về thu hồi tài sản với những điều khoản quan trọng đặt ra trách nhiệm, nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc triển khai trên lãnh thổ quốc gia. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với công tác PCTN nói chung và thu hồi TSTN nói riêng là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc xây dựng báo cáo và tổ chức Hội thảo hợp tác quốc tế trong thu hồi TSTN là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức kinh nghiệm thiết thực giúp cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu cần thiết để nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến thu hồi TSTN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi TSTN theo công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam". Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Trưởng nhóm xây dựng báo cáo đã trình bày rõ về khung khổ pháp lý của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong thu hồi TSTN; thực tiễn kết quả hợp tác quốc tế của Việt Nam trong PCTN; một số điển hình về thu hồi TSTN trên thế giới; đề xuất chính sách cụ thể cho Việt Nam...
Các ý kiến tại hội thảo nhất trí cho rằng, việc thu hồi tài sản được xem là một trong những yếu tố then chốt trong công tác đấu tranh PCTN. Những kết quả nghiên cứu trong Báo cáo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích để các cơ quan có liên quan tham khảo, vận dụng để xây dựng chính sách pháp luật về PCTN.
Các đại biểu chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, góp ý về hình thức, bố cục, nội dung thể hiện của Báo cáo, những ý kiến góp ý sâu sắc, cụ thể về vai trò của các cơ quan hữu quan trong thu hồi TSTN bị thất thoát, chiếm đoạt. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao liệu lực, hiệu quả hợp tác quốc tế về thu hồi TSTN, nhìn chung các khuyến nghị khá toàn diện, một số khuyến nghị có tính khả thi.
Luật pháp Việt Nam mới chỉ quy định 2 cơ chế thu hồi TSTN là qua Quyết định hành chính của người có thẩm quyền và quyết định của bản án có hiệu lực. UNCAC cũng khuyến nghị Việt Nam cần bổ sung cơ chế thu hồi TSTN không qua thủ tục kết tội, qua đó ý kiến cho rằng, nhóm nghiên cứu cần phân tích rõ hơn, đề xuất những khuyến nghị về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trong tham luận của đại diện TANDTC cho biết, pháp luật Việt Nam cơ bản tương thích với các biện pháp và yêu cầu của UNCAC. Tuy nhiên, Báo cáo chưa đề cập đến khó khăn trong việc tương trợ tư pháp về truy nã quốc tế, dẫn độ đối với tội phạm tham nhũng, đây cũng là vấn đề vô cùng nhức nhối trong công tác PCTN hiện nay. Bởi lẽ việc bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, nhất là những nước mà chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp đối với Việt Nam sẽ gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án, người phạm tội không bị trừng phạt và tài sản bị thất thoát do tham nhũng, do phạm tội mà có, không thể thu hồi được, gây ảnh hưởng xấu về uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra nhằm góp ý hoàn thiện thêm Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu; đồng thời đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về phương thức thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt tại Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trân trọng cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến thảo luận, góp ý chi tiết đối với Báo cáo và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời khẳng định, các ý kiến có ý nghĩa quan trọng, giúp nhóm nghiên cứu có thêm thông tin khoa học góp phần xây dựng và hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đạt chất lượng cao nhất.