Lời cuối của “nghịch tử” nghiện rượu đến… hóa điên
“Bị cáo biết tội rồi” – đó là lời nói sau cùng của Trần Ngọc Anh (SN 1970, ngụ tỉnh Long An) trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án. Thật đau lòng, nạn nhân của Anh lại chính là mẹ hiền, người “mang nặng đẻ đau” bị cáo. Nguyên nhân chính gây ra thảm án là thói nghiện rượu, chất cay cay tai hại bị cáo nốc mỗi ngày đã nhấn đời Anh chìm sâu trong bi kịch.
Trần Ngọc Anh là trường hợp khá hy hữu, bị cáo không học hành, không nghề nghiệp, mẹ già nuôi đến tuổi U60 vẫn quyết sống đời… “ăn bám”.
Hồ sơ vụ án thể hiện cụ Huỳnh Thị Thành (80 tuổi) từ Tp. Hồ Chí Minh chuyển về tỉnh Long An sinh sống từ năm 2017. Cơ ngơi, nhà cửa đều do cụ Thành tạo lập, Anh chỉ việc “xách valy, đi theo mẹ”.
Chuỗi ngày bình yên của hai mẹ con cụ Thành chấm dứt khi đầu năm 2020, cụ bất ngờ bị bệnh tai biến, mọi sinh hoạt cũng từ đó đảo lộn. Do đi lại khó khăn nên cụ Thành thường nằm dưỡng bệnh trong phòng. Thay vì lao động, tận tình chăm sóc báo hiếu mẹ, bản thân Anh lại chọn cho mình lối sống “nhàn cư vi bất thiện”.
Không nghề nghiệp nên cuộc sống Anh suốt ngày chỉ “ra đứng, vào ngồi”, triền miên đắm chìm trong men rượu. Chất cay gây nghiện bào mòn sức khỏe, khiến Anh hóa điên khùng, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Trần Ngọc Anh khai tại phiên tòa: Sáng 19/9/2022, bị cáo ngủ dậy rồi đi ra trước nhà ngồi, mẹ bị cáo vẫn còn nằm trong phòng ngủ. Sau đó, bị cáo vào bếp lấy dao nhọn đi vào phòng mẹ.
Lúc này cụ Thành đang ngủ trên ván gỗ, Anh ngồi xuống rồi buông lời “tự sự”: “Con buồn quá, con giết mẹ” rồi vung dao cho đến khi mẹ già nằm bất động. Gây tội ác tày đình xong, Anh đưa thi thể ra bên ngoài, rồi đi sang tiệm tạp hóa đối diện báo “hung tin”, đồng thời nhờ người gọi công an để gã tự thú, khai rõ toàn bộ hành vi phạm tội.
Nhận thấy tâm lý Anh bất thường, Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận cho thấy, trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng bị loạn thần khởi phát muộn và di chứng do sử dụng rượu. Sau khi gây án cho đến hiện tại, Anh bị sa sút tâm thần mức độ nặng.
Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Anh mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Đặc biệt, nguyên nhân phát bệnh tâm thần được xác định là “do nghiện rượu mạn tính”, có tổn thương não do teo não. Anh bị đưa đi điều trị bắt buộc và đến ngày 19/7/2023, bị cáo đã ổn định, đủ nhận thức để ra tòa, đối diện với sự trừng phạt của pháp luật.
Cũng mê ăn nhậu dẫn đến gây án là bị cáo Lê Hoàng Hồng (SN 1969, ngụ Long An). Hồng có bạn nhậu là anh Lương Quốc Tiến (SN 1982), lấy lý do “thư giãn gân cốt”, hai người thường “đối ẩm” sau mỗi ngày lao động.
Chiều 26/3/2022, Hồng được anh Tiến đến rủ uống rượu cùng với người tên Tùng (không rõ nhân thân lai lịch). Nhậu đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Tùng rời bàn rượu và đi về trước.
Còn lại hai “ma men”, Hồng, Tiến tiếp tục đi đến căn nhà hoang gần đó để “thay đổi không khí” và uống rượu tiếp. Cuộc nhậu kéo dài đến 23 giờ cùng ngày, hai người lại khật khưỡng quay về ngồi trước mái hiên khu nhà trọ để kéo dài chuỗi say sưa.
“Rượu vào lời ra” thật đúng với trường hợp của Hồng. Hai bợm nhậu bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, cự cãi về khoản tiền 180.000 đồng mua rượu và gỏi vịt. Tiến yêu cầu Hồng phải hùn, góp 90.000 đồng. Trong khi đó, Hồng cho rằng, Tiến là người mời nên không đồng ý chi tiền.
Chuyện chỉ có vậy nhưng rượu say, Tiến buông lời chửi Hồng. Tức giận vì bị mắng mỏ, Hồng đi vào phòng lấy thanh kim loại dài gần 1m ra tấn công khiến bạn nhậu gục xuống, văng ra chiếc điện thoại. Chưa hả giận, Hồng còn trút giận, đập nát điện thoại. Gây án xong, Hồng lấy xe mô tô nổ máy đào tẩu về Tp. Hồ Chí Minh lẩn trốn.
Tiến nằm thoi thóp đến 05 giờ sáng hôm sau mới được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nên thoát chết. Chịu thương tích tổn hại đến 55% sức khỏe, ngày 26/11/2022, Tiến viết đơn tố cáo Hồng, đề nghị xử lý nghiêm.
Hai vụ án có nguyên nhân bắt nguồn do rượu vừa được TAND tỉnh Long An xét xử công khai. Hậu quả và tác hại của rượu thể hiện rất rõ và nghiêm trọng qua phần xét hỏi.
Bà Huỳnh Thị Hường là con của cụ Thành, chị của bị cáo Anh cho biết: Trước khi nghiện rượu, Anh từng có nghề thợ sơn nước. Sau khi chuyển về Long An, Anh không chịu đi làm, suốt ngày đắm chìm trong rượu khiến suy kiệt cơ thể, đến mức bị cáo đi đứng yếu đuối. Bà xin giảm nhẹ hình phạt cho em mình vì bị cáo phạm tội khi hạn chế khả năng nhận thức.
Xuyên suốt phiên tòa, Anh rất ân hận trước sự bất hiếu do bị cáo gây ra. Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Anh nghẹn ngào: “Bị cáo biết tội, chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt”.
HĐXX nêu rõ: Theo quy định Điều 13 Bộ luật Hình sự, “phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” thì các bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cáo trạng truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Để răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung, HĐXX tuyên phạt Trần Ngọc Anh 10 năm tù về tội “Giết người”.
Đối với “ma men” Lê Hoàng Hồng, HĐXX nhận định chỉ vì uống rượu, mâu thuẫn việc chia tiền nhậu, bị cáo hung hãn tấn công bạn nhậu 2 nhát chí mạng vào vùng ngực. Việc bị hại thoát chết là ngoài mong muốn của bị cáo, do vậy cần xử nghiêm. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Hồng 13 năm tù về tội “Giết người”.
Nỗi đau các bị cáo để lại là rất lớn, khiến gia đình ly tán, gia phong đổ vỡ. Bản án nghiêm khắc mà Anh, Hồng phải nhận là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho một bộ phận không nhỏ “ma men” ở các vùng sâu, vùng xa đang lạm dụng rượu, tha hóa nhân cách. Đừng để khi rơi vào hoàn cảnh như các bị cáo mới thấm thía, thì mọi sự đều đã là quá muộn màng.
(Tên bị hại đã được thay đổi)