Nhịp cầu Công lý

SkyTeam không được cấp phép đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không

Đỗ Việt - Trung Dũng 26/05/2024 06:22

Qua rà soát hồ sơ, Cục hàng không Việt Nam khẳng định không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không cho Công ty Cổ phần học viện Nhân lực Skyteam.

Chứng chỉ không có giá trị bởi đào tạo “chui”

Trước thông tin phản ánh về việc Công ty Cổ phần Học viện Nhân lực SkyTeam (SkyTeam) đứng ra tổ chức, đào tạo các khóa học về hàng không cùng với cùng với “bánh vẽ” học xong được sắp xếp việc làm trong lĩnh vực hàng không. Cục hàng không Việt Nam khẳng định, nhân viên hàng không chỉ được cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nếu được đào tạo tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) cho phép hoặc công nhận.

Trong văn bản trả lời báo Công lý, Cục hàng không Việt Nam cho biết: theo Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản pháp luật về hàng không dân dụng, nhân viên hàng không phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp do cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) cho phép hoặc công nhận. Danh mục nhân viên hàng không được quy định tại Thông tư số 10/2018/TT-BGTVT ngày 14/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nhân viên hàng không; đào tạo, huấn luyện và sát hạch nhân viên hàng không.

“Qua rà soát hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không, Cục hàng không Việt Nam không nhận được hồ sơ đề nghị và cũng không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không cho Công ty cổ phần học viện nhân lực Skyteam (Skyteam Academy)”, Văn bản của Cục hàng không Việt Nam khẳng định.

anh8.jpg
Ông Đinh Văn Cung, Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam trao đổi với phóng viên

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Công lý, ông Đinh Văn Cung, Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam một lần nữa khẳng định, Công ty Cổ phần học viện Nhân lực Skyteam đang hoạt động chui, Cục hàng không Việt Nam không cấp phép đào tạo thì chứng chỉ đào tạo của các học viên đang theo học tại trung tâm này đều không được công nhận, không có giá trị trong lĩnh vực hàng không.

“Công ty Cổ phần học viện Nhân lực Skyteam không phải là cơ sở đào tạo được Cục hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo thì giấy chứng nhận hoàn thành khóa học của các học viên đang theo học tại trung này này đều không có giá trị làm việc trong ngành hàng không. Đối với những cơ sở đào tạo được Cục cấp phép đủ điều kiện đào tạo thì chứng nhận đấy mới được công nhận làm việc trong lĩnh vực hàng không”, ông Cung nhấn mạnh.

tiep-vien-hang-khong.jpg
Hệ thống văn phòng SkyTeam Academy phủ sóng nhiều tình thành để thu hút các học viên

Ông Cung cho biết thêm, bà Đinh Thị Dung (SN 1995, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Skyteam) từng làm tiếp viên trưởng của một hãng hàng không trước khi nghỉ việc.

Đối với những trung tâm có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đào tạo nhân viên hàng không, ông Cung cho biết, phía Cục hàng không Việt Nam sẽ thông tin đến cơ quan Công an đề nghị kiểm tra và có hình thức xử lý theo quy định.

Cảnh báo hiện tượng lừa đảo trong hoạt động đào tạo nhân viên hàng không

Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, trong những năm gần đây, một số Trung tâm đào tạo trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận đã có những biểu hiện hành vi lừa đảo trong môi giới, tuyển sinh, đào tạo nhân viên Hàng không dân dụng. Trong đó, có nhiều Công ty, Trung tâm đào tạo đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho hàng trăm học viên các ngành như: Tiếp viên hàng không, Vận tải hàng không, An ninh hàng không nhưng thực tế các cơ sở này không được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.

1 buổi học tiếng anh tại Trung tâm SkyTeam

Thủ đoạn lừa đảo của các trung tâm này được thực hiện bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. Mặc dù các cơ sở không có chức năng đào tạo nhân viên hàng không đã làm các việc như tuyển sinh, đào tạo, tư vấn tuyển sinh, chủ yếu nhằm vào các đối tượng có nhu cầu làm việc trong ngành hàng không. Đối tượng lừa đảo thường nhằm vào những thanh niên ở các vùng nông thôn chưa có việc làm, thiếu thông tin về ngành hàng không và cơ sở đào tạo nhân viên hàng không.

Đáng chú ý, các thành phần lừa đảo thường có quan hệ với một số cơ sở trong ngành hàng không Việt Nam, nắm và am hiểu hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.

Địa điểm các “lò” đào tạo dùng để hoạt động được trương biển quảng cáo và các thông tin có nội dung thu hút, hấp dẫn như chương trình đào tạo sát thực tế, sau khi tốt nghiệp được cấp chứng nhận, là cơ sở, điều kiện để được tuyển dụng …

Thậm chí còn hứa hẹn học xong được sắp xếp việc làm trong ngành hàng không ngay và với mức học phí cao ngất ngưởng gấp nhiều lần theo quy định. Đặc biệt, có tình trạng mạo danh Cục Hàng không Việt Nam hoặc Học viện Hàng không Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo.

Mới đây, Học viện hàng không Việt Nam, một trong những cơ sở đào tạo được Cục Hàng không cấp giấy chứng nhận để đào tạo, huấn luyện cấp chứng chỉ các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực hàng không cũng phát thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh Học viện hàng không thực hiện mục đích lừa đảo.

Theo đơn vị này, hiện nay, có rất nhiều fanpage đang mạo danh Học viện Hàng không Việt Nam với thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm tạo lòng tin của khách hàng: lấy toàn bộ logo, bài viết, hình ảnh... được copy từ trang web, facebook, fanpage chính của nhà trường. Về mục đích của các trang này nhằm bán các khóa học trải nghiệm hàng không cho học sinh vào dịp hè. Tuy nhiên, Học viện hàng không Việt Nam khẳng định hiện nay không có khóa học trải nghiệm hàng không hè nào cho học sinh.

Báo Công lý tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đỗ Việt - Trung Dũng