Lở đất ở Papua New Guinea khiến hàng trăm người thiệt mạng
Ngày 25/5, các quan chức cho biết, một đoàn xe cứu trợ khẩn cấp đang vận chuyển thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác tới những người sống sót sau vụ lở đất tàn phá một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi Papua New Guinea và được cho là đã chôn vùi hàng trăm người.
Hơn 300 người được cho là đã thiệt mạng trong vụ lở đất chôn vùi một ngôi làng ở vùng xa xôi của Papua New Guinea. Thủ tướng James Marape cho biết ông sẽ công bố thêm thông tin về quy mô tàn phá và thiệt hại về người khi có con số chính xác.
Amos Akem, một nghị sĩ của tỉnh Enga, cho biết, vụ lở đất xảy ra ở tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600km về phía Tây Bắc, vào ngày 24/5.
Ông Akem cho biết: “Từ các báo cáo thu thập được, trận lở đất đã chôn vùi hơn 300 người và 1.182 ngôi nhà”.
Chính quyền quốc gia vẫn chờ để đưa ra số người chết chính thức. Ước tính ban đầu có khoảng 100 người.
Lãnh đạo tỉnh Enga, Sandis Tsaka, cho biết, các đội ứng phó khẩn cấp đã được cử đến khu vực, bao gồm lực lượng ứng phó thảm họa, cảnh sát và nhân viên y tế.
Ông Tsaka nói: “Vụ lở đất là một thảm họa thiên nhiên chưa từng có, gây thiệt hại đáng kể về tài sản và tính mạng con người, hiện chưa được thống kê”.
Ông Tsaka kêu gọi chính phủ quốc gia và các tổ chức khác hỗ trợ để giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa.
Người dân ở các khu vực xung quanh cho biết những tảng đá và cây cối từ sườn núi bị sập đã chôn vùi nhiều khu vực của cộng đồng.
Ông Serhan Aktoprak, người đứng đầu phái đoàn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại quốc gia Châu Đại Dương này cho biết, vụ lở đất xảy ra tại làng Yambali, cách thủ phủ Wabag của tỉnh Enga khoảng 2 giờ lái xe.
Ông Serhan Aktoprak dẫn báo cáo từ nhân viên IOM và những người khác được triển khai từ thủ phủ tỉnh tới ngôi làng bị ảnh hưởng cho biết: “Đất vẫn tiếp tục trượt, do đó rất khó cho hoạt động cứu hộ”.
Ông Aktoprak cho biết khu vực bị ảnh hưởng có diện tích bằng 3-4 sân bóng đá và ngôi làng là nơi sinh sống của gần 4.000 người.
Aktoprak cho biết "với quy mô của thảm họa", ông lo ngại số người chết có thể cao hơn ước tính ban đầu là khoảng 300 người.
Yambali nằm dọc con đường dẫn từ thủ đô hiện đã bị gián đoạn do đất đá che lấp, cản trở nỗ lực cứu trợ.
Không thể tiếp cận được ở khu vực bị ảnh hưởng, đường dây điện bị cắt và dân làng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm.
Ông nói thêm: “Nhu cầu trước mắt là chỗ ở, các vật dụng như chăn và ga trải giường, thức ăn và nước uống”.
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết chính quyền đang phản hồi và ông sẽ công bố thông tin về quy mô tàn phá và thiệt hại nhân mạng khi có được con số chính xác.
Thủ tướng Marape cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang cử các quan chức thảm họa, Lực lượng Phòng vệ và Bộ Công trình và Đường cao tốc đến để bắt đầu công tác cứu trợ, tìm kiếm thi thể và tái thiết cơ sở hạ tầng”.
Úc, nước láng giềng gần và là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài hào phóng nhất của Papua New Guinea, cho biết chính phủ sẵn sàng giúp đỡ.
“Chúng tôi gửi lời cảm thông sâu sắc tới người dân Papua New Guinea sau trận lở đất”, Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đăng trên X. “Thiệt hại về nhân mạng và sự tàn phá là rất nặng nề”.
Papua New Guinea là một quốc gia đa dạng, đang phát triển với hầu hết là nông dân tự cung tự cấp với 800 ngôn ngữ. Viễn thông còn kém, đặc biệt là bên ngoài thủ đô Port Moresby. Cả nước chỉ có 1,66 triệu người sử dụng Internet và 85% dân số sống ở nông thôn.