Kinh tế

Vì sao chính sách hỗ trợ lãi suất không đi vào cuộc sống?

Duy Tuấn 25/05/2024 - 17:20

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại đạt kết quả thấp do từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp còn khó khăn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

thongdoc1.jpeg
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên thời gian qua đã cố gắng thực hiện các chương trình, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31, "chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy". "Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là một trong những chương trình của Nghị quyết 43/2022/QH15.

thongdoc2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

“Ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn. Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Trước đó, cho ý kiến tại hội trường, Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để “giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”.

“Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, đại biểu Vũ Tuấn Anh chỉ rõ.

Theo đại biểu, bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống như Đoàn giám sát đã nêu, “dư nợ tín dụng đến tháng 12/2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm”. Cùng với đó, “các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn”.

vutuananh1.jpeg
Đại biểu Vũ Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Qua thực tiễn cho thấy, đại biểu nêu thêm nguyên nhân do “nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất”.

“Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của Nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp”, đại biểu đề xuất.

Duy Tuấn