Khởi công nhà máy dệt may 1090 tỷ đồng ở Hoằng Hóa
Sáng 25/5, tại Cụm công nghiệp Thái Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Công ty TNHH South Asia Knitwer Limited (Hồng Kông) và Công ty CP tập đoàn Việt Hưng đã phối hợp tổ chức Lễ động thổ dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng.
Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng do Công ty TNHH South Asia Knitwer Limited, thuộc Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông) làm chủ đầu tư với tổng mức 1.090 tỷ đồng. Công ty CP tập đoàn Việt Hưng là đơn vị tổng thầu thi công.
Tập đoàn Nam Ích được thành lập năm 1963 tại Hồng Kông có nhiều công ty con đã đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam, Campuchia trong các lĩnh vực dệt may, máy móc thiết bị và các lĩnh vực khác.
Tại Thanh Hóa, đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Nam Ích sau các nhà máy may tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) và huyện Thường Xuân.
Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng được quy hoạch trên diện tích 81.972m2, nhằm mục đích sản xuất các sản phẩm dệt len, may mặc chất lượng cao phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, sau khi đi vào vận hành, dự án sẽ giải quyết việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động.
Các đơn vị chức năng cam kết, việc xây dựng nhà máy sẽ được tiến hành trong khoảng 235 ngày, từ nay đến tháng 1/2025. Sau khi hoàn thành sẽ có hai khu sản suất, gồm khu xưởng dệt rộng trên 33.000m2 và khu xưởng may có diện tích trên 22.000m2.
Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Thanh Hải đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu tập trung thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng nhà máy. Đồng thời yêu cầu các phòng ban, cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.
Cụm Công nghiệp Thái Thắng được UBND tỉnh phê duyệt số 1187/QĐ-UBND vào tháng 4/2018, đóng trên địa bàn 2 xã Hoằng Thắng và Hoằng Thái, với tổng diện tích 30,71 ha, sẽ tạo việc làm hàng nghìn lao động.
Tại đây, sẽ thu hút các nhà đầu tư đầu tư thuộc các lĩnh vực: Sản xuất thực phẩm, đồ uống chất lượng cao; sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ; dệt lưới, dệt bạt, da giầy; dịch vụ sửa chữa cơ khí; các dịch vụ ngành nông nghiệp và nhiều ngành nghề khác có liên quan.