“Siêu lừa” Hà Thành đàm phán mua cổ phần ngay tại phiên tòa như thế nào?
Ngày 24/5, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của “siêu lừa” Hà Thành cùng các bị cáo khác trong vụ chiếm đoạt hơn 400 tỉ đồng của các ngân hàng Việt Á, NCB, PVCombank.
Trước đó, bị cáo Hà Thành bị cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Hà Thành xin giảm nhẹ hình phạt và có mong muốn dùng các tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.
Số tiền chiếm đoạt, “siêu lừa” Hà Thành sử dụng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần của Công ty MHD - có dự án MHD Trung Kính (Hà Nội).
Trong phiên tòa phúc thẩm được mở cách đây hơn 1 tháng, có một nhà đầu tư là doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện và bày tỏ mong muốn mua lại cổ phần của bị cáo Hà Thành tại Công ty MHD Kính. Do đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để cho bị cáo Hà Thành có thời gian trao đổi, thỏa thuận bán cổ phần với nhà đầu tư để lấy tiền khắc phục vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Hà Thành đã đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Thanh Tùng để mua số cổ phần tương đương 20% cổ phần tại Công ty MHD, đơn vị sở hữu dự án MHD Trung Văn. Sau đó, số cổ phần này đã được thế chấp cho Ngân hàng Việt Á.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Hà Thành cho biết giữa bản thân mình, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (người Hà Thành đưa tiền mua và đứng tên cổ phần-PV), Ngân hàng Việt Á và nhà đầu tư đã có trao đổi. Bị cáo đồng ý bán số cổ phần để có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án và các bên đồng ý ra tòa để có con số cụ thể.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng cũng đồng ý bán số cổ phần để khắc phục hậu quả vụ án. Còn Ngân hàng Việt Á cho biết đã có công văn gửi HĐXX nội dung xác nhận số cổ phiếu này hiện chưa được giải chấp, nếu các bên đồng ý giao dịch thì ngân hàng sẽ làm thủ tục giải chấp theo quy định.
Đại diện nhà đầu tư cho biết, doanh nghiệp này có dự kiến mua lại cổ phần và đã tìm hiểu, xác minh, cử luật sư gặp mặt đàm phán. Sơ bộ về con số thì để sở hữu số cổ phần nhà, nhà đầu tư phải trả thêm cho bị cáo Hà Thành 30 tỉ đồng để giải quyết khó khăn ngoài số tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nhà đầu tư đề nghị giao dịch phải được ký kết tại tòa và có sự xác nhận của Công ty MHD.
Theo giải thích của nhà đầu tư, quá trình đàm phán trao đổi, họ được biết số cổ phần đứng tên bị cáo Tùng và bị cáo Tùng đã ký tên chuyển nhượng cho ông Nguyễn Ngọc Phương và ông Phương đã được Công ty MHD cấp sổ cổ đông, đang được chào bán. Ngoài ra, một người khác là ông Phú cũng nói bị cáo Tùng đã thế chấp số cổ phần này cho ông trước khi thế chấp cho Ngân hàng Việt Á. Bị cáo Tùng cũng xác nhận có thế chấp cho người này.
Do thấy chưa đảm bảo quyền lợi, nhà đầu tư chưa nộp tiền vào cơ quan thi hành án.
Trước tình hình này, bị cáo Hà Thành đã xin HĐXX cho thời gian để trao đổi với nhà đầu tư. Chủ tọa phiên tòa đã cho bị cáo Thành, bị cáo Tùng gặp riêng trao đổi với nhà đầu tư và các bên liên quan.
Sau khi trao đổi, phía nhà đầu tư cho biết vẫn có nguyện vọng mua lại số cổ phần nhưng đề nghị Công ty MHD xác nhận việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới.
Cuối cùng, phía nhà đầu tư chốt lại cần làm rõ vấn đề sở hữu cổ phần để tránh sau khi giao dịch họ sẽ bị phủ quyết quyền cổ đông. Trường hợp Công ty MHD xác nhận cổ phần là hợp pháp, xác nhận quyền cổ đông thì họ sẵn sàng giao dịch ngay trong hôm nay. Tuy nhiên, Công ty MHD khẳng định không thể xác nhận việc chuyển nhượng này. Công ty đã thông báo không công nhận tư cách cổ đông của bất kỳ ai cho đến khi Tòa án có phán quyết. Đại diện Công ty MHD xác nhận số cổ phần này của của bị cáo Tùng thế chấp cho Ngân hàng Việt Á.
Như vậy, việc thỏa thuận mua lại số cổ phần này ngay tại phiên tòa để bị cáo Hà Thành có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án không thành.
Theo cáo trạng truy tố, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, "siêu lừa" Hà Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân.
Do không có tài sản đảm bảo nên "siêu lừa" Hà Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh… Sau đó, bà Thành rút tiền ra để sử dụng cá nhân.
Để làm được việc này, nhiều cựu cán bộ ngân hàng NCB, Việt Á, PVCombank đã tiếp tay cho Hà Thành giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Cơ quan tố tụng xác định, số tiền bà Thành chiếm đoạt của Ngân hàng Việt Á là 247 tỉ đồng; NCB là 47,5 tỉ đồng; PVCombank là 49,4 tỉ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỉ đồng.