Thúc đẩy tiềm năng phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Ngày 24/5/2024, tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã diễn ra Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối Vùng; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên Lai Châu và Thái Nguyên.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đang đạt được mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cụ thể: Giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 8,42%/năm (so với tốc độ tăng 6,21%/năm của cả nước), giai đoạn 2021 - 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 7,65%/năm (so với tốc tốc độ tăng trưởng 5,19% của cả nước). GRDP bình quân đầu người tăng đáng kể, năm 2023, đạt 64,8 triệu đồng/người, tăng so với mức 52,8 triệu đồng/người năm 2020.
Ước quý I/2024, kinh tế của Vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá: GRDP đạt 6,54% (dẫn đầu cả nước); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD; tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 26% dự toán, nguyên nhân do thu ngân sách dựa nhiều vào thủy điện và những tháng đầu năm các nhà máy tập trung tích nước, công suất phát điện thấp.
Một số địa phương có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào GDP chung cả nước và có vai trò dẫn dắt, đầu tàu phát triển vùng như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, tạo nên các cực tăng trưởng trọng điểm, hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong mối liên kết với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng lân cận.
Tại Hội nghị đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao. Đến năm 2050, vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5 - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 - 18.000 USD. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc được tổ chức thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu động lực. Vùng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển lớn nhất là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các thành viên Hội đồng Điều phối vùng, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về phía các tỉnh, cần đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo động lực phát triển vùng; điều phối trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của vùng, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của vùng.