Tài chính - Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO lên 4,5%/năm

Trang Nhi 24/05/2024 - 09:12

Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới, tăng lãi suất cho vay qua kênh OMO lên 4,5%. Đây được xem như một tín hiệu nhằm giảm áp lực cho tỷ giá.

Phiên giao dịch ngày 22/5 chứng kiến diễn biến biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ, khi Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp hơn 9 lần và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.

omo.jpg
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO lên 4,5%/năm

Đây là lần thứ hai nhà điều hành tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, cơ quan này cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4% lên 4,25%/năm trong phiên 23/4.

Cũng trong phiên ngày 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2023. Có hai thành viên tham gia đấu thầu và cả hai đều trúng thầu.

Cũng trong phiên 22/5, lô tín phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng đã đáo hạn. Song song với đó, khoản vay trị giá 2.791 tỷ đồng trên kênh OMO cũng đáo hạn. Như vậy, có thể xác định Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng 22.959 tỷ đồng trong phiên 22/5.

Theo các chuyên gia việc nâng lãi suất OMO cũng có thể giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong những phiên gần đây, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục chạm trần.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO được đánh giá là nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên thực tế trong suốt gần 1 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã chạm mốc 2,5 tỷ USD.

Trang Nhi