Chính trị

Sẽ “trả” trang thiết bị y tế, sinh phẩm trong phòng chống dịch COVID-19

Duy Tuấn 23/05/2024 - 17:40

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 23/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, hiện nay Đoàn ĐBQH tỉnh nhận nhiều đơn của các Công ty liên quan đến vấn đề "cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết".

nguyenhuuthong.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết “nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết”. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.

“Đồng thời, Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay và cơ chế tài chính cho các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện như: án phí và chi phí thi hành các bản án. Nếu được như vậy, doanh nghiệp thấy được Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp có lý có tình và các địa phương, các cơ sở y tế cũng dễ triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông lưu ý.

lan1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Trả lời đại biểu Thông, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau dịch COVID-19, Bộ rất quan tâm đến việc thanh toán các khoản vay, mượn thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Theo Bộ trưởng, việc tạm ứng vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế “hiện chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi này”.

“Qua đợt chống dịch vừa qua, do tình hình cấp bách, một số đơn vị y tế, địa phương phải thực hiện vay, mượn, tạm ứng để có điều kiện đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Khi kết thúc dịch, việc xử lý có vướng mắc do chưa có quy định pháp luật. Nếu tiến hành đấu thầu để trả bằng hiện vật thì sinh phẩm vật tư dùng cho chống dịch hiện cũng không làm gì, nếu trả bằng tiền thì trả ở mức độ nào và nguồn như thế nào. Chính vì vậy sau giám sát, Nghị quyết 99 của Quốc hội đã đề cấp đến vấn đề này và giao Chính phủ đề xuất phương án xử lý”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói .

tc1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Bộ trưởng nêu rõ, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương đề xuất phương án. Đến nay, Bộ đã làm việc để tổng hợp thống kê số lượng vay mượn. Từ đó, Bộ đã xây dựng Tờ trình, đề xuất phương án, đã gửi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương. Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng tổng hợp sớm các ý kiến để sớm trình phương án giải quyết.

Dự kiến trong tháng 5,6 sẽ trình chính phủ và UBTVQH do liên quan đến Nghị quyết 99 của Quốc hội

Sẽ bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi điện gió

Trước kiến nghị của cử tri sớm hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nội dung này đã quy định rõ tại Điều 106 của Luật Đất đai 2004, và trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới. Bộ TNMT đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

khanh1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng nêu rõ, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành và Nghị định được ban hành thì trong đó sẽ được quy định rõ việc hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió.

Cùng nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cử tri đề nghị có hướng dẫn về việc đền bù, hỗ trợ người dân có đất và tài sản trên đất "trong phạm vi 300m từ công trình điện gió".

Bộ trưởng cho biết, hiện nay “chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù theo pháp luật về đất đai”. Những công trình nằm trong phạm vi cột điện gió thuộc đối tượng thỏa thuận với chủ đầu tư.

Hơn nữa, khái niệm “khu dân cư” được quy định tại Nghị định số 14 năm 2014 đến nay cũng đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Nghị định 51, nên chưa thật rõ khái niệm về khu dân cư cũng như các công trình kiến trúc trong khu vực này. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa quan tâm và chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.

dien1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Về hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp: Thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo số 2824 ngày 24 tháng 04 năm 2023, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn ngoài các công trình công cộng, quốc phòng an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành.

Trong khi chờ sửa đổi bổ sung luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản trên đất nằm trên khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió. Như vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết vấn đề này.

Duy Tuấn