Giáo dục

Ngành Giáo dục Hải Phòng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số

Văn Công 23/05/2024 - 09:03

Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT thành phố đã đạt được những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số, mang lại những thay đổi tích cực trong việc dạy, học, quản lý của ngành.

Những kết quả tích cực đến từ chuyển đổi số

Thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực ứng dụng CNTT trong dạy, học, kiểm tra và đánh giá để hoàn thành chương trình kế hoạch năm học đúng tiến độ. Các phần mềm để dạy học online, kiểm tra, đánh giá hội họp trực tuyến đã được sử dụng như: Microsoft Team, Zoom, Google meet…

Xác định cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất với chuyển đổi số, ngành Giáo dục đã nhanh chóng tận dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành để triển khai việc dạy-học trực tuyến, đánh dấu bước khởi đầu ấn tượng trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và học tập, nền tảng đầu tiên của chuyển đổi số trong giáo dục thành phố Cảng.

Từ Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, giáo viên, học sinh Hải Phòng cùng đóng góp và được chia sẻ với hệ thống cả nước hơn 7.000 bài giảng E-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa thông qua internet; đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của hơn 500.000 học sinh, hồ sơ của hơn 32.000 giáo viên thuộc gần 1.000 cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn thành phố.

Từ đó, hệ thống này đã hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành; giúp các cấp quản lý ban hành chính sách quản lý có hiệu quả, đánh giá hiện trạng thừa thiếu giáo viên ở các nhà trường theo từng cấp học, địa phương, môn học, qua đó xây dựng lên bức tranh tổng thể toàn ngành giáo dục.

Đến nay, 100% các cơ sở Giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng, 100% học sinh các cấp học được tiếp cận Internet và kho dữ liệu trực tuyến, thư viện số…

z5466254132906_0879989b013a5cfcac800c3f9bc93543.jpg
Hội thảo chuyên đề của ngành Giáo dục thành phố.

Chia sẻ về những kết quả tích đã đạt được, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng cho biết: “Hiện các cơ sở giáo dục trong quận đã ứng dụng CNTT trong triển khai họp không giấy tờ thông qua việc tra cứu tài liệu và truy cập tài liệu qua mã QR để giáo viên tiện truy cập và theo dõi; 100% phòng học được trang bị máy tính kết nối internet, máy in, camera và màn hình ti vi từ 55-85 inch; 100% trường trên địa bàn quận đã triển khai và thực hiện thanh toán không tiền mặt đến cha mẹ học sinh. Cùng với đó, các trường đã triển khai việc ký số, quản lý văn bản đi đến qua hệ thống Hpnet và hòm thư điện tử công vụ đảm bảo an toàn, bảo mật, khai thác tối ưu hiệu quả hệ thống”.

Tại Phòng GD&ĐT huyện An Dương, trong những năm qua, toàn ngành Giáo dục huyện đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Theo đó, ngành đã triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu tới 61 trường, 39 nhóm trẻ gia đình, gắn mã định danh cho gần 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 48.000 học sinh phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Với những kết quả tích cực từ chuyển đổi số mà ngành Giáo dục thành phố đạt được trong thời gian vừa qua sẽ là động lực quan trọng, để từ đó tiếp tục phấn đấu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo đà để Giáo dục thành phố bứt phá trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện hơn.

z5466252080699_5a090dce872b7defedb718a527a09048.jpg
Tiết dạy tại Phòng học thông minh Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hồng Bàng.

Những phương hướng, mục tiêu lớn của chuyển đổi số những năm tiếp theo

Sở GD-ĐT thành phố tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến kết hợp dạy-học trực tiếp nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới phương pháp dạy-học; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để đổi mới nội dung, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường.

Đồng thời, ngành Giáo dục đẩy mạnh khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, thường xuyên cập thông tin của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và kết quả học tập của học sinh theo quy định.

Mặt khác, Sở Giáo dục tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy, tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng; triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao chất lượng nhân lực, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT phục vụ chuyển đổi số và công tác thống kê giáo dục; triển khai các đợt tập huấn, bồi dưỡng về CNTT, chuyển đổi số cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngành Giáo dục thành phố luôn đảm bảo tốt các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Sở Giáo dục tiếp tục rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tổ chức dạy môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến.

Đồng thời, ngành Giáo dục thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân.

Sở GD-ĐT tiếp tục giao các Phòng Giáo dục, trường học chủ trì quản lý hệ thống thông tin, phải rà soát và hoàn thiện quy chế quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT; phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, sử dụng hệ thống, triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phải đi đôi với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; có các hình thức khen thưởng đơn vị, cá nhân làm tốt; có các biện pháp, chế tài đối với các đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

z5466252280205_370505ae6b9d2087594c5fb0e75c8834.jpg
Các bạn nhỏ hứng thú với giáo dục STEM.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tham mưu các ban, ngành thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy-học trực tuyến phục vụ nhà trường, giáo viên và học sinh; huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, tài trợ thiết bị dạy-học trực tuyến cho học sinh và giáo viên ở những nơi còn khó khăn; đề nghị các nhà mạng trên địa bàn có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt về dịch vụ Internet cho học sinh, giáo viên và nhà trường.

Quá trình chuyển đổi số trong Giáo dục là một quá trình liên tục và mang tính chiến lược, bằng những việc làm thiết thực nêu trên, ngành GD-ĐT thành phố đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian vừa qua, ngành Giáo dục Hải Phòng tự tin là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số, góp phần phát triển thành phố Cảng theo hướng văn minh, hiện đại, sẵn sàng vươn ra biển lớn.

Văn Công