Chùa Vạn Niên trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản
Sáng ngày 22/5/2024 (nhằm ngày 15/4 âm lịch), tại Chùa Vạn Niên (số 364, đường Lạc Long Quân, Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật Lịch 2568 – Dương Lịch 2024.
Phật Đản hay là Vesak là ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hoặc 15 tháng 4 âm lịch hàng năm, tùy theo quốc gia.
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, ở Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch hàng năm (15/4).
Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được chùa Vạn Niên tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Tư để kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài sinh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch năm 624 TCN.
Hoà theo không khí vui chung, chùa Vạn Niên trang trọng, thành kính tổ chức đại lễ Phật Đản để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.
Chùa Vạn Niên là ngôi chùa nằm ở bờ phía tây hồ Tây, Hà Nội. Chùa từng có tên là Vạn Tuế, thuộc địa phận ấp Quán La, nay thuộc thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đời Lý năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Thiên thứ Năm (1014), Thạch Nhai tăng thống Tấu xin cho lập giới đàn ở đây để tập hợp tăng đồ thụ giới, được chiếu chuẩn y. Nhiều nhà sư danh tiếng như Lâm Tuệ Sinh, Lý Thảo Đường kế tiếp nhau trụ trì ở đây. Về sau có vị tăng ở Quảng Châu là Biện Tài đến tu trì, có sách đối lục lưu hành ở đời.
Chùa xưa thuộc phái Thảo Đường, từ các đời trụ trì gần đây gồm có: Cố Hòa Thượng Thích Viên Thành (1950 – 2002). Hiện nay trụ trì chùa Vạn Niên là Thượng tọa Thích Minh Tuệ, Chùa thuộc về sơn môn Hương Tích và hoằng dương Mật Tông.
Sau nghi lễ niệm Phật, Chư tôn đức và các đại biểu cùng toàn thể hội chúng tiến hành nghi lễ diễu Phật và thực hiện nghi thức tắm Phật truyền thống, cầu nguyện Quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.