Đề nghị bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 21/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đưa ngay biển số xe vào Dự thảo Luật
Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 4, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh– Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị bổ sung thêm một nội dung vào điều khoản này, đó là “bổ sung biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật”.
Theo Đại biểu, đấu giá biển số xe là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nhưng Nghị quyết này chỉ được thực hiện thí điểm trong 03 năm.
“Việc đấu giá biển số xe trong thời gian vừa qua đang được thực hiện với những kết quả nhất định. Do đó, sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thì biển số xe cũng cần được đấu giá theo quy định của pháp luật. Nếu đưa ngay vào Dự thảo Luật sửa đổi lần này thì sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật”, Đại biểu Thịnh nói.
Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà- - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…”.
"Vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi", Đại biểu Hà nói.
Quy định về hành vi này có thể sửa lại như sau: “Cấm cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo trong hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.
Tăng chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...
Đáng chú ý, với đấu giá biển số ô tô, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về đấu giá biển số xe là tài sản phải đấu giá; đề nghị bổ sung quyền sử dụng số xe là theo quy định của pháp luật về giao thông.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay việc đấu giá biển số xe ô tô đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội trong 3 năm kể từ ngày 1.7.2023. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô tại kỳ họp đầu năm 2026.
Do thời gian thực hiện thí điểm chưa được 1 năm nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào luật. Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung nhưng đến nay, Chính phủ chưa có văn bản về nội dung này nên chưa có cơ sở luật hóa. Về đề nghị bổ sung quyền sử dụng kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là tài sản phải đấu giá và cùng thuộc một nhóm kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định. Vì thế, chưa bổ sung các loại tài sản này tại dự thảo luật.