Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông từ 'Mô hình phiên tòa giả định'
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với TANDTC giai đoạn 2023-2030, thời gian qua, Báo Công lý đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng các bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”, với mong muốn xây dựng một mô hình tuyền truyền, giáo dục và tìm hiểu ATGT lý thú, hấp dẫn, có tính thực tiễn cao.
Xuất phát từ ý nghĩa to lớn đó, đồng thời hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2024 với Chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, sáng 22/5, Ban Thanh niên Quân đội, Cục Chính trị Quân khu 4, Báo Công lý - Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Lữ đoàn Pháo binh 16, Tỉnh đoàn Nghệ An, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan sẽ tổ chức Chương trình “Thanh niên với văn hóa giao thông” tại Hội trường Lữ đoàn 16, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Thông qua chương trình này, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu một mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật mới, hấp dẫn, có tính thực tế cao, mang tính trực quan, sinh động, lôi cuốn thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và quần chúng tham gia; tạo hiệu ứng lan toả xã hội sâu rộng trong công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT).
Đồng thời, chương trình được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên đơn vị và nhân dân trên địa bàn đóng quân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của cán bộ, đoàn viên, thanh niên LLVT Quân khu tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân, nhất là nhân dân ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, giúp cán bộ, đoàn viên, thanh niên có hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, có khả năng, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân. Đồng thời, rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, từ đó nhân rộng trong toàn lực lượng vũ trang Quân khu.
Theo chuyên gia đánh giá, “Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức này đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.
Thông qua “Phiên tòa giả định” nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT trong thời đại số…
Dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được TAND các cấp tổ chức xét xử, Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” đã tập trung xây dựng các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm mà người dân cần biết như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, điều khiển xe vượt tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và các quy định về tội phạm hình sự.
Đồng thời, Bộ tài liệu đã khắc phục những hạn chế, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa “phiên tòa giả định" vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT. Hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa mô hình "Phiên tòa giả định" vào phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho người dân nói chung, Báo Công lý - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Thông tin - Tuyên truyền Tòa án nhân dân phối hợp với và Ủy ATGT Quốc gia tổ chức nghiên cứu, xây dựng và thực hiện thành công các bộ tài liệu “Phiên tòa giả định”.
Phát huy hiệu quả của bộ tài liệu “mô hình phiên tòa giả định”, Ban tổ chức Chương trình “Thanh niên với văn hóa giao thông” đã nghiên cứu, phối hợp cùng các đơn vị chức năng để xây dựng một kịch bản có nhiều điểm mới lạ, thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đoàn viên và quần chúng nhân dân.