Bát nháo ngôn ngữ của các biển quảng cáo ngoài trời
Từ nhiều năm nay, tình trạng biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài xuất hiện tràn lan trên các tuyến phố của TP Hà Nội đã không còn là chuyện lạ.
Đã có tình trạng rất nhiều tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng hoàn toàn do chủ là người Việt xây dựng, vận hành và hướng đến khách nội địa, nhưng đều được đặt tên theo tiếng nước ngoài.
Việc sử dụng tràn lan tiếng nước ngoài trên những biển hiệu, biển quảng cáo này không chỉ tạo nên sự bất tiện, phản cảm mà với nhiều người, nó còn là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng chữ Việt, tiếng Việt, văn hóa Việt và kéo theo các hệ lụy liên quan.
Ở giữa TP Hà Nội, nhưng những tấm biển quảng cáo chữ nước ngoài còn to hơn chữ tiếng Việt xuất hiện khắp mọi nơi, từ mặt phố đến ngõ nhỏ.
Có nhiều nơi, cả khu phố tràn ngập biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài. Hầu hết các biển hiệu, bảng quảng cáo này đều có diện tích lớn, được thể hiện nổi bật, bắt mắt. Một số ít có dùng hai thứ tiếng thì tiếng Việt thường bị đặt dưới tiếng nước ngoài và bị lấn át cả về cỡ chữ, kiểu chữ, màu sắc.
Theo giải thích của nhiều chủ nhân của những tấm biển hiệu thì họ làm như vậy để tạo sự nổi bật, gây ấn tượng với người tiêu dùng, để người nước ngoài dễ hiểu, dễ đọc, dễ quan tâm… Và với suy nghĩ ấy, các cửa hàng đua nhau dựng những tấm biển lớn đủ kiểu chữ, kiểu tiếng hòng cạnh tranh trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tại Hà Nội, để siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, ngày 13/3/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024 thay thế Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND TP. Hà Nội ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.
Quy chế gồm 3 chương, 36 điều, quy định về hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin).
UBND thành phố yêu cầu hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, không gian, kiến trúc, cảnh quan của thành phố Hà Nội.
UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Hà Nội.
Để chấm dứt tình trạng sính ngoại, lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu quảng cáo trước hết, các chủ cơ sở kinh doanh cần ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và quyết liệt trong xử lý các vi phạm.
Ghi nhận của PV Báo Công lý tại một số tuyến đường của Hà Nội:
Theo Điều 18, Luật Quảng cáo năm 2012:
"Biển hiệu quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài."
Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:
Tại Điều 35. Vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và không đặt bên dưới chữ tiếng Việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 48 Nghị định này;
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo Điều 48 Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:
"Hành vi không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra còn buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi vi phạm."