Phụ cấp chức danh kiêm nhiệm có được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội?
Theo quy định, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bạn đọc Đinh Trang hỏi: Bí thư Đảng ủy và Bí thư Đoàn thanh niên đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên và Chính trị viên phó cấp xã được hưởng phụ cấp thâm niên thì khoản phụ cấp này có tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Giải đáp về vấn đề trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:
Tại Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định: Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tại Khoản 1 Điều 2; Khoản 1 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế gọi là tự vệ.
Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã.
Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm: Chỉ huy trưởng là Ủy viên UBND cấp xã, sĩ quan dự bị; Chính trị viên do Bí thư cấp ủy cấp xã đảm nhiệm; Chính trị viên phó do Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã đảm nhiệm; Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Tại Điều 10 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ quy định, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.
Mức phụ cấp được hưởng như sau: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng.
Tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức ở cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 1 người trong số lượng quy định tối đa tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm.
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Đối chiếu các quy định nêu trên, trường hợp chức danh Chính trị viên do Bí thư cấp ủy cấp xã đảm nhiệm, Chính trị viên phó do Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã đảm nhiệm là chức vụ, chức danh kiêm nhiệm. Do đó, khoản phụ cấp thâm niên của chức danh kiêm nhiệm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT bắt buộc.