Vì sao người dân phản đối thu hồi sân bóng xây trường học?
Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 10/07/2016
Gần nửa năm nay người dân làng Giáp Tứ cũ (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) luôn cắt cử người trông coi ở sân vận động làng Giáp Tứ để…bảo vệ đất. Sở dĩ có tình trạng lạ đời này là do chính quyền quận Hoàng Mai có quyết định thu hồi sân bóng để xây dựng trường THCS Thịnh Liệt tại ô đất ký hiệu B6/TH2 (sân bóng làng Giáp Tứ).
Theo đó, ngay khi chọn địa điểm xây trường, quận Hoàng Mai đã nhanh chóng cho rào sân bóng để chuẩn bị thi công đã gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân làng Giáp Tứ. Ngoài việc gửi đơn từ đến các cơ quan chức năng, báo chí, người dân còn tự dựng một căn lều giữa sân bóng và lúc nào trong căn lều cũng có người trông coi, chỉ cần thấy có người lạ hoặc cơ quan chức năng xuất hiện là họ sẽ thông báo để mọi người cùng đến phản đối.
Vì đâu, một dự án đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nguyện vọng cho nhân dân, cho sự nghiệp giáo dục lại bị chính người dân phản đối?
Dự án xây dựng trường học tại sân vận động làng Giáp Tứ bị người dân phản đối
Ông Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Đại tá quân đội, người làng Giáp Tứ) hiện đang ngụ tại tổ 34, phường Thịnh Liệt cho biết, xây dựng trường học là chủ trương đúng, thực tế phường Thịnh Liệt hiện đang thiếu trường THCS.
Trước đây, dự án xây dựng trường THCS Thịnh Liệt được quy hoạch xây dựng ở khu dân cư số 7 (thuộc Giáp Nhị) và dự kiến ngôi trường này được khởi công từ cách đây 7-8 năm. Tuy nhiên, mảnh đất có diện tích khoảng 9000m2 dự định làm dự án xây dựng trường học đã được cấp 34 sổ đỏ, nên mới có sự điều chỉnh quy hoạch chuyển dự án về Giáp Tứ.
Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có trường THCS ở số 121 phố Nguyễn Chính không cải tạo nâng cấp mà bỏ hoang khoảng 6 năm nay. Vì vậy, người dân thắc mắc tại sao chính quyền địa phương không lựa chọn làm dự án trường học mà cứ nhất quyết phải là sân bóng làng Giáp Tứ đã tồn tại hơn 60 năm nay.
Điều khiến người dân Giáp Tứ bức xúc là nếu lấy sân bóng để làm dự án xây dựng trường học thì theo luật đất đai phải lấy ý kiến của người dân vì sân bóng này là sở hữu tập thể của người dân làng Giáp Tứ (cũ).
Sân bóng cũng có câu lạc bộ bóng đá quản lý hàng chục năm nay. Theo người dân cho hay, để có được sân bóng làm khu vui chơi, thể dục, từ cách đây hơn 60 năm, người dân đã tự bảo ban nhau, mỗi nhà đóng góp 10m đất của mình để làm khu vui chơi, sinh hoạt chung.
Sân bóng là khu vui chơi do người dân đóng góp mỗi gia đình 10m đất
“Đất sân bóng 100% là do dân đóng góp, gia đình tôi còn vẫn còn giữ sổ đỏ thời ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP. Hà Nội cấp”, ông Nguyễn Cường Tâm, 66 tuổi (ở tổ 36, phường Thịnh Liệt) cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thạch, 57 tuổi (tổ 36, phường Thịnh Liệt) vốn là Bí thư chi bộ cho biết, các cuộc họp chính quyền địa phương ông thường được dự. Bản thân ông tại các cuộc họp đều có kiến nghị về việc lấy ý kiến dân để thu hồi sân bóng làm dự án trường học. Tuy nhiên góp ý nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả.
Cũng theo ông Tâm, trước đây, khi Thịnh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, huyện có chủ trương lấy đất của sân vận động để làm dự án. Huyện đã họp dân tại đình làng để trưng cầu ý dân. Khi dân không đồng tình, Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là đã ra quyết định giữ nguyên sân bóng.
Tuy nhiên ngày 5/8/2015, dù chưa lấy ý kiến dân nhưng quận Hoàng Mai đã cho các lực lượng đến cưỡng chế. Và theo ông Tâm, “Việc không họp lấy ý kiến dân trước khi cưỡng chế thu hồi sân bóng hiện nay là không tôn trọng ý kiến người dân”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, trước phản ứng của nhân dân, đến đầu tháng 5/2016, UBND quận Hoàng Mai mới tổ chức họp dân để tiếp thu kiến nghị. Tuy nhiên, cách giải quyết của Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu không được người dân đồng tình.
Cùng ngày hôm đó, một số người dân đã tháo gỡ một số tấm tôn xung quanh sân vận động để tiếp tục vào sinh hoạt thể thao.