Huyện Nông Cống có phớt lờ chỉ đạo của cấp trên?
Trong khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở chế biến gỗ keo trên địa bàn để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì huyện Nông Cống lại phớt lờ. Thực tế tại địa phương này, không ít các cơ sở hoạt động chui, không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy, nằm ngay trong khu dân cư.
Sau khi được PV cung cấp thông tin về việc các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo không đảm bảo các quy định vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn xã Thăng Long, lúc này UBND huyện Nông Cống mới yêu cầu địa phương tiến hành kiểm tra.
Theo văn bản báo cáo của UBND xã Thăng Long do ông Mạch Văn Thự, Chủ tịch UBND xã, ký nêu: Kiểm tra hoạt động sản xuất xưởng sản xuất cây keo của hộ gia đình ông Lê Văn Minh – thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long.
Chiều ngày 12/5, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra hoạt động sản xuất xưởng sản xuất cây keo của hộ gia đình ông Lê Văn Minh, kết quả cụ thể như sau: Qua kiểm tra hộ ông Lê Văn Minh cung cấp các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sản xuất, chế biến gỗ. Hợp đồng lao động theo thời vụ đối với 8 nhân công đang làm việc tại xưởng.
Đối với phần đất đang san lấp theo thông tin được cung cấp: Phần đất đang san lấp nằm trong diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành DD 817897, tại thửa đất số: 115, tờ bản đồ số: 05, do UBND huyện Nông Cống cấp ngày 17/01/2022 cho ông Phạm Văn Chung – Địa chỉ thường trú: thôn Ngọc Chẩm, xã Thăng Long.
Điều kỳ lạ là, ngay trên phần đất này đang có 1 cơ sở thu mua, chế biến, băm dăm trái phép lại không được đoàn kiểm tra nhìn thấy để đưa vào trong báo cáo. Có hay không sự làm ngơ của chính quyền địa phương để cho các cơ sở chế biến keo này hoạt động? Trên địa bàn toàn huyện còn bao nhiêu cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo không được kiểm tra, báo cáo?
Trước đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, UBND các địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh...
Xây dựng và triển khai phương án, biện pháp thúc đẩy, khuyến khích việc thu mua, chế biến gỗ keo gắn với chế biến sâu, liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và xử lý triệt để tình trạng thu mua, chế biến gỗ keo tự phát, không để tái phạm.